Những "chiếc cần câu" gỉ sắt

HÀ QUANG 12/07/2021 07:19

Cho cần câu hay con cá là cách nói hình ảnh về các chính sách an sinh xã hội. Nên cho những con cá, trực tiếp cải thiện bữa ăn người dân hay là hỗ trợ chiếc cần câu để tạo ra sinh kế?

Tất nhiên, chiếc cần câu vẫn là cách lựa chọn khả dĩ hơn, với nhiều điều kiện kèm theo mà người thụ hưởng phải là nhân tố quyết định, đồng hành. Chính sách phát triển thủy sản (theo Nghị định 67 của Chính phủ) cũng vậy, những chiếc cần câu quy mô lớn đã được hỗ trợ.

Dù chủ yếu hỗ trợ lãi suất vốn vay nhưng với những chiếc tàu sắt đánh bắt xa bờ trị giá hàng chục tỷ đồng thì nguồn hỗ trợ của chính sách này là không hề nhỏ. Nghị định 67 được cho là có bước chuẩn bị rất kỹ khi xây dựng chính sách, đặc biệt là đã rút được bài học kinh nghiệm từ chính sách phát triển tàu cá xa bờ trước đây, thế nhưng tâm lý ỷ lại của ngư dân thì có vẻ chưa mấy thay đổi.

Thậm chí nhiều người không có nhu cầu sắm tàu to vẫn hứng vốn vì cho rằng đây là nguồn hỗ trợ của Nhà nước; trong khi đó thực chất là vốn vay, người thụ hưởng phải chịu đầy đủ trách nhiệm như cam kết với ngân hàng, phải trả nợ định kỳ cho khoản vay này…

Bây giờ thì nhiều chiếc “tàu 67” phải nằm bờ vì khai thác kém hiệu quả, ngân hàng lại ráo riết với khoản nợ xấu được thống kê trên địa bàn tỉnh chiếm đến 40,12% (hơn 258 tỷ đồng). Một số “tàu 67” thỉnh thoảng đi biển để nhắn tin về trạm bờ, làm thủ tục nhận hỗ trợ nhiên liệu chứ không phải khai thác hải sản.

Ngư dân cho rằng những “chiếc cần câu” của mình có quá nhiều bất cập. Dù phải tốn kém một khoản chi phí khá lớn cho việc thiết kế, nhưng nhiều chiếc tàu sắt vẫn không tương thích với điều kiện sản xuất. Ngư dân đã “độ chế” một số bộ phận trên tàu nhưng không hiệu quả. Chưa nói chi phí vận hành, bảo dưỡng của những chiếc tàu này quá cao, trong khi nghề biển xa bờ vẫn bấp bênh.

Một nguyên nhân khác, rất quan trọng là ngư dân vẫn loay hoay với các loại nghề ở ngư trường xa bờ, trong khi muốn chuyển đổi thì những chiếc tàu sắt không thể linh động như tàu vỏ gỗ. Thiết kế của tàu sắt không định hướng cho một loại nghề nào, nên những vướng víu cụ thể trong quá trình sản xuất đã nằm ngoài hình dung của nhiều ngư dân từ lúc con tàu hình thành (mà thực chất nếu có muốn thì họ cũng khó thay đổi được).

Trong lần ngồi trò chuyện với ông Trần Văn Liên (một ngư dân ở Bình Minh, Thăng Bình) sau nhiều vụ kiện tụng dây dưa liên quan đến “tàu 67”, tôi cảm nhận được, sự tinh tường của chủ tàu về loại nghề mình đang theo đuổi là yếu tố quyết định sự thành công của mỗi chuyến biển.

Ông Liên kể say sưa và tỏ vẻ tiếc nuối về nghề lưới rê mà mình là người tiên phong du nhập. Ông nói trước đây với con tàu vỏ gỗ, năm nào hai cha con ông cũng thu nhập “nhất vạn” với loại nghề này. Có năm ông thu nhập đến gần 1 tỷ đồng, xây được căn nhà khang trang mà mình đang ở bây giờ

Vì nghĩ rằng sắm phương tiện lớn sẽ khai thác hiệu quả hơn nên ông mới bán tàu gỗ, đối ứng vốn để đầu tư tàu sắt, nào ngờ trở thành nạn nhân, là nguyên đơn, bị đơn bất đắc dĩ trong nhiều vụ án dân sự. Thậm chí phía ngân hàng, được xem là người đồng hành cũng phát đơn kiện ông, bởi với họ, ông là người không giữ đúng cam kết tài chính trong khoản vay của mình.

Giờ thì ông Liên phải “nằm bờ” với con tàu gỉ sắt chỉ một lần xuất bến. Cũng giống như nhiều chiếc tàu khác tại bãi neo đậu, chủ của nó đang phải chật vật với khoản nợ vay vì sản xuất kém hiệu quả. Những “chiếc cần câu” không thể phát huy tác dụng, bởi hình như từ đầu nó không được xác định câu loại cá mực gì, hiệu quả của bài toán kinh tế ra sao; trong khi đó, trước mắt nhiều “ngư ông” bây giờ là phương án tài chính của một dự án, chứ không phải ngư trường tự do xa khơi!

HÀ QUANG