Của voọc và người
Quần thể voọc chà vá chân xám duy nhất trên thế giới “dễ dàng quan sát được ngoài tự nhiên” đang thuộc về vùng đồi núi hẹp ở Quảng Nam. Kết quả khảo sát do Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) công bố đã “đưa” đàn voọc chà vá chân xám ở xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành đến gần hơn với cộng đồng thế giới, nhưng cũng không che giấu hết những mối lo về sinh cảnh loài.
Thật thú vị khi câu chuyện không chỉ dừng ở mối lo ngại và những lời kêu gọi “bảo vệ” chung chung, như vẫn thường nghe thấy ở đâu đó. Lần này, có hẳn đề án tổng thể bảo tồn khoảng 70 cá thể voọc chà vá chân xám giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Đề xuất tháo gỡ mà Sở NN&PTNT vừa trình UBND tỉnh mang tính đột phá. Một, để bảo đảm có tối thiểu 60ha sinh cảnh sống cho đàn voọc, địa phương thu hồi, mua lại 30ha nương rẫy của người dân. Hai, trồng lại cây bản địa và chuyển đổi khoảng 90ha rẫy trồng keo của người dân xung quanh thành vùng đệm, vùng phục hồi sinh thái để tạo thêm không gian sống cho loài voọc.
Các chuyên gia đã nhận thấy vùng sinh cảnh hiện tại dành cho loài linh trưởng đặc hữu cực kỳ quý hiếm của Việt Nam và nằm trong danh sách 25 loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất mà chỉ vỏn vẹn 30ha là quá ít.
Chưa nói, vùng sinh cảnh ấy cũng “nghèo nàn” như chính cái tên rừng nghèo, lại hẹp, trên khu vực núi đá, chiều ngang dao động khoảng 50 - 150m, bị chia cắt bởi rừng sản xuất của người dân.
Và không chỉ có các chuyên gia nhìn thấy. Đã có những chuyến khảo sát, kiểm tra thực tế của lãnh đạo UBND tỉnh tại các khu vực rừng nghèo ấy. Các thành viên của tổ tuần tra cũng đếm kỹ từng cá thể và theo dõi từng động thái của voọc.
“Tương lai” đàn voọc chà vá chân xám như thế nào còn phải chờ xem việc thực hiện đề xuất đã nói. Nhưng ở Quảng Nam, đã có nhiều tín hiệu lạc quan về cách thức bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm.
Hôm 6.5 vừa qua, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam công bố thông tin xuất hiện quần thể voi châu Á (Elephas maximus Linnaeus,1758) gồm 2 cá thể cái tại huyện Hiệp Đức. Tin vui này loan báo sau khoảng 4 năm kể từ khi Quảng Nam lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi rộng gần 19.000ha.
Hãy nhớ lại giai đoạn trước khi “khoanh vùng” sinh cảnh cho đàn voi trú ngụ. Đó là những ngày nơm nớp lo bị voi dữ tấn công, máu của người dân lẫn cán bộ kiểm lâm đã đổ…
Với những loài động vật hoang dã khác, dường như sự xung đột giữa chúng và cộng đồng dân cư vẫn cứ âm ỉ. Những cuộc âm thầm tìm kiếm, tháo gỡ bẫy thú trên vùng núi cao hay tuyên truyền rầm rộ về ý thức bảo tồn động vật vẫn tiếp diễn. Ngay như khu vực Sơn Trà (Đà Nẵng) vốn dĩ được kiểm soát chặt, thi thoảng vẫn thấy những con thú bị thương do dính bẫy.
Xin mượn tiêu đề danh tác “Của chuột và người” (John Steinbeck) để nói về câu chuyện của voọc và người, voi và người, khỉ và người - tức nói về tương quan giữa con người với động vật hoang dã.
Với câu chuyện voọc ở xứ Quảng, đấy không còn bó hẹp về “quyền lợi” của riêng loài vật hay loài người, mà phải là của cả hai. Nếu có thêm nhiều khoảnh rừng để cư ngụ, không chỉ đàn voọc chà vá chân xám sẽ được bảo tồn nguyên vị và phát triển số lượng, mà vùng cảnh quan ấy cũng được tính toán đưa vào phát triển du lịch cộng đồng. Từ đó, cộng đồng hưởng lợi.
Nếu cách ứng xử (với động vật hoang dã) kiểu như mua thêm rừng làm sinh cảnh loài đã thú vị, thì quyết định lựa chọn (của con người) càng mạnh mẽ và đáng quý.