Kỳ nghỉ đặc biệt

HÀ QUANG 07/06/2021 06:29

Tôi hơi lo lắng về một tin nhắn trên nhóm Zalo của lớp con trai năm học vừa qua: “phụ huynh để ý, vừa qua có tình trạng học sinh lớp 7 hút thuốc lá điện tử trong trường học, cần nhắc nhở các bạn khi nghỉ hè”.

Chuyện học sinh phổ thông nghịch ngợm với nhiều chiêu trò thì thường nghe chứ hút thuốc lá điện tử, thật sự tôi không ngờ tới vì có vẻ “hiện đại” quá. Hút thuốc lá điện tử thậm chí còn là điều mới mẻ với nhiều người lớn, nên khó nghĩ đã xâm nhập nhanh vào môi trường học đường phổ thông.

Trong hình dung của tôi, đó thật sự là áp lực lớn cho cả nhà trường, gia đình và xã hội; một hiện tượng rất khác, chứ không phải là những biểu hiện hành vi lứa tuổi thường thấy.

Một câu chuyện khác, hôm qua tôi cùng con trai đi ăn cơm bụi. Cái nóng ngoài trời hắt vào quán vỉa hè đông người thật khó chịu, nhưng mới ngồi vào ghế, đã nghe một phụ nữ gần đó hét lên trong điện thoại: “con tôi không có lỗi, thằng đó đánh nó trước, nó ốm yếu nên phải kêu người lớn hơn đánh lại. Sao chị không nghĩ đến chuyện đó? Do nó còn nhỏ nên không báo với chính quyền, con nít chứ đâu phải như tôi và chị...”. Tôi nhìn qua con trai và hỏi, “hồi học ở trường, mấy bạn có hay đánh lộn không con?”.

Thằng bé vẫn giữ nét bình thản, nói “con không tham gia nhóm nào”. Đó thật ra là câu trả lời rằng có, nhưng thằng bé nói không tham gia bởi có thể hiểu được nỗi lo lắng của tôi. Cũng như câu chuyện kể trên, tôi lại nghĩ đến một áp lực nữa về quá trình quản lý xã hội đối với lứa tuổi học trò ngoài môi trường học đường, khi chính những phụ huynh không tham gia hiệu quả vào quá trình đó.

Môi trường xã hội, như nhiều nhà tâm lý nhận định, đang có nhiều xáo trộn do thiên tai, dịch bệnh; trong đó môi trường giáo dục cũng đang biến đổi nhanh chóng, cần có khả năng tương thích cao của những nhà làm giáo dục, nhà trường và gia đình. Ví như bạo lực học đường thời nào cũng có, nhưng những năm gần đây tính chất rất khác.

Thậm chí nhiều vụ việc còn có hơi hướng là hành vi biểu hiện sự bế tắc của con người với cuộc sống hiện tại. Hay như áp lực học hành thi cử của học sinh, ở nhiều tình huống nó không còn thi vị như nhiều cảm xúc đã được ghi lại qua trang “lưu bút ngày xanh”... Nhưng không phải lúc nào xã hội cũng có sẵn những biện pháp hiệu quả để khắc chế vấn đề nhức nhối nảy sinh từ môi trường học đường, nên thật khó nói đến những điều lý tưởng khi học sinh vẫn được xem là trung tâm, như một phương pháp giáo dục tiến bộ.

Lại một kỳ nghỉ hè “đặc biệt” giữa thời điểm nỗi lo dịch bệnh Covid-19 ám ảnh. Cái nóng ập đến gắt gao, nơi nơi lại thực hiện giãn cách; trong lúc nỗi bực dọc vì nhu cầu mưu sinh không gặp thuận lợi của nhiều người dân..., thật sự đã khiến kỳ nghỉ không như mong muốn của học trò.

Dịch bệnh Covid-19 không còn là phép thử sức đề kháng của xã hội nữa, mà đã thật sự là hiểm họa, tác động trực tiếp qua nhiều chiều kích đến môi trường xã hội, đến nhiều nhóm đối tượng. Học sinh phổ thông được xem là nhóm đối tượng “hồn nhiên” nhất với hiểm họa dịch bệnh, nhưng không phải là nhóm ít bị tác động nhất.

Có thể điểm vài câu chuyện mà báo chí đăng tải gần đây: cháu bé ba tuổi phải cách ly một mình; hay hai nam sinh bị đuối nước bất tỉnh, được cứu sống nhưng không dám kể với gia đình vì sợ bị mắng...  Những câu chuyện có vẻ không đặc trưng mấy về tình huống của đời sống, nhưng là một kiểu tác động đáng lưu ý đối với trẻ con, giữa lúc xã hội khó khăn!

HÀ QUANG