Chăm lo cho trẻ - trách nhiệm của cộng đồng

TRƯƠNG TÂM ĐĂNG 31/05/2021 05:13

Từ ngày 1.6 đến 30.6, Tháng hành động vì trẻ em với chủ đề “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh” diễn ra trên toàn quốc. 

Các ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh Quảng Nam tổ chức nhiều hoạt động theo kế hoạch triển khai tháng hành động với mục đích chung là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức, hành động, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Đồng thời đẩy mạnh phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình liên quan đến trẻ em; chung tay giúp đỡ về vật chất và tinh thần, cải thiện môi trường sống cho trẻ em, tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện.

Chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm nay thể hiện tâm điểm thời sự. Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, trẻ em là đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất. Một kỳ nghỉ hè khó khăn trước mắt các em. Việc tổ chức các cuộc vui chơi, hội hè hay thậm chí việc sinh hoạt hè cũng sẽ rất hạn chế. Nhiều nơi bị phong tỏa, hạn chế đi lại nên không có những chuyến nghỉ hè về quê ngoại, quê nội giàu ký ức đối với những đứa trẻ; các cuộc gặp bạn bè cũng gần như đóng cửa.

Tuổi nhỏ hiếu động nhưng buộc phải ở trong nhà hầu hết thời gian mùa hè có lẽ là một cực hình. Tuy việc thực hiện nghiêm ngặt các yêu cầu chống dịch sẽ giúp các em có những ngày an toàn bên gia đình, tránh những nguy cơ về giao thông, các tệ nạn hay các trò chơi nguy hiểm như tắm sông…, nhưng cũng tiềm ẩn chiếc bẫy về nghiện sử dụng thiết bị công nghệ. Vì vậy, trong thời gian các em ở nhà, sự giáo dục, kiểm soát của gia đình là điều kiện tiên quyết để các em không đánh mất hẳn niềm vui nghỉ hè và chuẩn bị được kiến thức khi quay trở lại lớp học.

Tháng hành động vì trẻ em là đợt cao điểm của các hoạt động thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Bên cạnh tập trung nhiều hoạt động thiết thực thì tháng hành động còn như một sự nhắc nhở toàn xã hội phải luôn chung tay đảm bảo quyền trẻ em, giáo dục, bảo vệ, phát triển trí tuệ và thể chất cho những chủ nhân tương lai của đất nước.

Mặc dù chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực trong nhiệm vụ này, nhưng nhìn lại vẫn còn đó bao hoàn cảnh trẻ em khó khăn, yếu thế. Chương trình phòng chống trẻ em đuối nước được thực hiện nhiều năm nay, nhưng mùa hè nào cũng xảy ra các vụ đuối nước trên sông biển khiến nhiều trẻ em tử vong.

Những vụ bạo hành của chính các em ở tuổi học trò với nhau khiến xã hội bức xúc. Đặc biệt là tình trạng bạo hành trẻ em trong gia đình còn tồn tại mà những vụ việc lộ ra gây phẫn nộ xã hội chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Ở miền núi, rất nhiều trẻ em vẫn hàng ngày làm lụng vất vả, lên rừng kiếm củi xuống suối bắt cá, thậm chí nhiều em phải chui rúc hầm vàng đầy nguy khốn. Tình trạng bỏ học sớm để đi làm kiếm sống vẫn xảy ra mỗi năm ở các trường miền núi. Đặc biệt là rất nhiều trường hợp trẻ em đồng bào các dân tộc thiểu số tảo hôn… Không chỉ ở miền núi mà ở đồng bằng, số khu vui chơi giải trí chuyên biệt cho trẻ em vẫn rất hiếm hoi.

Vì vậy, Tháng hành động vì trẻ em cũng để mọi người trong xã hội soi lại chính mình, để tiếp tục chung tay chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

TRƯƠNG TÂM ĐĂNG