Và, chúng ta đã lựa chọn!
Hôm qua, 23.5, hơn 1,17 triệu cử tri của Quảng Nam đã hoàn thành việc bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Cử tri đã thể hiện sự chọn lựa bằng thái độ tham gia nghiêm túc với ý thức rất cao trong việc sử dụng lá phiếu của mình.
Sự lựa chọn nghiêm túc hẳn phải nhờ có thông tin đầy đủ, hữu ích về ứng cử viên. Như tại Tam Kỳ, trong quá trình vận động bầu cử, ứng cử viên tại các khu vực bỏ phiếu này đã đưa rất nhiều giải pháp để xây dựng Tam Kỳ cơ bản đạt tiêu chí của đô thị loại 1 vào năm 2025 và trở thành đô thị trung tâm tổng hợp, đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh và liên vùng.
Ví như, ứng cử viên hứa ưu tiên tác động để bố trí vốn cho dự án hạ tầng khung, dự án kết nối vùng, các dự án có tính chất động lực, các dự án hạ tầng xã hội quan trọng nhằm tạo sự đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng; ưu tiên tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư; ưu tiên xúc tiến đầu tư vào cụm đô thị động lực phía Nam, ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp FDI quy mô lớn…
Vì thế, những thông tin về các ứng cử viên trở nên tin cậy hơn trong mắt cử tri. Và, khi đó, lá phiếu của mỗi công dân càng có giá trị hơn trong việc lựa chọn những người xứng đáng vào các vị trí lãnh đạo quốc gia và gần nhất, thiết thân nhất với đời sống của họ, là đại biểu ở cấp mình.
Quảng Nam đang quyết tâm xây dựng “Thương hiệu Quảng Nam”, bắt đầu từ nhiều mũi đột phá. Trong đó, trước mắt là tiếp tục kiên trì ba mũi đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị; về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; về đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó là định hướng phát triển vùng Đông Nam của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đặc biệt, đã có 14 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể được đưa ra để Quảng Nam phát triển bền vững trong giai đoạn 2020 - 2025.
Tất nhiên, hiện thực hóa tất cả mục tiêu đó không thể chỉ dựa trên quyết tâm chính trị. Hồi tháng 4 này, trong một cuộc trả lời phỏng vấn của Báo Quảng Nam về “Thương hiệu Quảng Nam”, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng, hiện có đến 67% doanh nghiệp tại Quảng Nam nói lãnh đạo tỉnh có chủ trương tốt nhưng không được thực hiện tại các sở, ngành, địa phương.
Và gần 27% cho rằng có những sáng kiến tốt không thực thi. Nhắc lại điều này, để thấy rằng, chương trình hành động của các ứng cử viên (cũng như chủ trương chính sách của Đảng) có tốt đến bao nhiêu, mà quá trình thực thi không nỗ lực vượt qua chướng ngại vật bằng trí tuệ, bằng tâm đức thì e dễ lại rơi vào khuyết điểm “nói không đi đôi với làm”.
Ứng cử viên, họ đã lắng nghe và cam kết hành động vì sự phát triển của quê hương. Cử tri tin vào chương trình hành động của các ứng cử viên và chờ đợi sự thực hiện những lời hứa đó. Từ bây giờ, việc của cử tri là giám sát những gì họ đã hứa, để đến hết nhiệm kỳ nhìn lại lựa chọn của ngày 23.5.2021.
Khi đó, mới biết lựa chọn và cân nhắc hôm nay, có đủ sáng suốt cho một giai đoạn phát triển. Thái độ của người dân nói chung, thái độ của trí thức nói riêng cũng đã rõ qua cuộc bầu cử lần này. Hy vọng vào một giai đoạn tốt đẹp hơn. Cũng như, hy vọng không phải nghe những lời nhận khuyết điểm có vẻ “chối tai” từ nghị trường, mà cử tri thi thoảng chứng kiến trước đây…
“Không ai chọn được nơi mình sinh ra, nhưng có thể chọn cho mình cách sống”. Và, chúng ta đã lựa chọn góp trách nhiệm với đất nước.