Công nghiệp văn hóa
Một gian trưng bày tại sự kiện “Những ngày văn hóa Hàn Quốc tại Quảng Nam” năm 2021 (diễn ra hôm cuối tuần tại Hội An) khiến nhiều người chú ý: KOCCA VIETNAM - Văn phòng đại diện Cơ quan nội dung sáng tạo Hàn Quốc tại Việt Nam.
Khai trương văn phòng từ cuối năm 2020, KOCCA VIETNAM tiến hành các dự án đa dạng như mở các kênh quảng bá, tổ chức công chiếu phim hoạt hình Hàn Quốc tại Việt Nam, tiến hành điều tra khuynh hướng phát triển của Hallyu trong mùa dịch Covid-19, tổ chức biểu diễn âm nhạc online Việt – Hàn… Đây là chiến lược phát huy “sức mạnh mềm” về phát triển công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc. Quảng Nam có thể xem cách làm của Hàn Quốc, Nhật Bản để tham chiếu cho việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa bởi từ lâu công nghiệp văn hóa đã là ngành “hái ra tiền” của các quốc gia này.
Tác động của công nghiệp văn hóa đối với kinh tế - xã hội là không có gì phải bàn cãi. Theo các chuyên gia kinh tế, nếu phát triển mạnh công nghiệp văn hóa thì ngoài việc đóng góp tích cực cho nền kinh tế, còn quảng bá hình ảnh đất nước, góp phần mang văn hóa Việt Nam ra với thế giới.
Theo đánh giá của ngành văn hóa, những năm qua, công nghiệp văn hóa ở Quảng Nam bước đầu được đầu tư, nhất là đầu tư cho phát triển những sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch, dịch vụ. Một số sản phẩm công nghiệp văn hóa được đánh giá cao như các chương trình nghệ thuật biểu diễn thực cảnh, các vở diễn tại trung tâm nghệ thuật đương đại... Quảng Nam cũng đã tạo cơ chế thuận lợi hình thành các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức sự kiện. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở một số địa phương được đăng ký thương hiệu và tiếp cận thị trường.
Cùng với đó, để thúc đẩy phát triển sự nghiệp văn hóa, ngoài việc sử dụng nguồn thu từ du lịch để đầu tư cho du lịch, tỉnh đã có cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức cá nhân đầu tư cơ sở trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa, du lịch.
Nhưng, chừng đó là quá ít ỏi so với tiềm năng, dư địa rộng mở để làm nên các sản phẩm công nghiệp văn hóa gắn liền với di sản văn hóa thế giới. Việc phát triển các loại hình mỹ thuật ứng dụng, các sản phẩm quà tặng lưu niệm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ gắn với làng nghề truyền thống hàng chục năm qua vẫn chưa đem lại nguồn thu đáng kể.
Việc nghiên cứu xây dựng và phát huy thương hiệu quốc gia các sản phẩm sâm Ngọc Linh, yến sào, tiêu, trầm hương, quế gắn với phát triển kinh tế - xã hội bền vững còn ở mức cầm chừng. Lao động làm việc trong ngành công nghiệp sáng tạo cũng ít được chú trọng.
Nhìn lại một số hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong khuôn khổ các sự kiện văn hóa như festival du lịch biển Tam Thanh, lễ hội sâm Ngọc Linh, lễ hội văn hóa thể thao các huyện miền núi đã được đầu tư. Tuy nhiên, để trở thành hoạt động có thể khai thác dưới góc độ công nghiệp văn hóa thì còn cả chặng đường dài.
Một nghị quyết chuyên đề về phát triển sự nghiệp văn hóa Quảng Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 sẽ được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ ba, khóa XXII dự kiến diễn ra trong vài ngày tới.
Nếu nghị quyết được ban hành, các đơn vị, địa phương sẽ có nguồn lực lớn hơn để đầu tư, phát triển sự nghiệp văn hóa. Dự thảo cho nghị quyết chuyên đề này theo định hướng phát triển bao trùm. Nhưng, nên chăng, cần chọn điểm rơi trọng tâm hơn một chút, ở “phân khúc” công nghiệp văn hóa.
Theo đó, phải có cơ chế mạnh mẽ và rõ ràng hơn, chính sách cụ thể hơn để thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển những sản phẩm văn hóa du lịch có giá trị gắn với vùng đất - con người Quảng Nam. Trong thời đại kinh tế tri thức và công nghiệp 4.0, “trụ cột” này sẽ giúp hình ảnh vùng đất, văn hóa và con người xứ Quảng ngày càng trở nên thu hút hơn đối với du khách, với các vùng đất bên ngoài “đường biên” Quảng Nam.