Thềm sông và thèm sông!
Dọc các tuyến phố nội ô, ven sông Bàn Thạch, sông Tam Kỳ sưa bắt đầu lác đác trổ bông. Và những chuẩn bị cho lễ hội “Mùa hoa sưa” năm 2021 cũng đã rộn ràng. Trên mạng xã hội, sắc vàng mê đắm của hoa sưa hiện nhiều hơn trên news list của bạn bè, dậy lên cơn thèm sông cho những ai trót yêu thành phố này.
Trong vài năm gần đây, có thể thấy ý tưởng đưa sông Trường Giang vào trong cấu trúc đô thị Tam Kỳ đã dần hiện thực hóa. Vị trí, vai trò của trục cảnh quan này trong tổng thể tổ chức không gian đô thị tỉnh lỵ là không có gì phải bàn cãi về tầm quan trọng. Tuy nhiên, các giải pháp quy hoạch tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan đôi bờ sông Trường Giang đoạn qua Tam Kỳ dường như chưa cho thấy đường nét rõ ràng.
Đề án phát triển TP.Tam Kỳ trở thành đô thị loại 1 có nhiều đột phá và đang trong quá trình tham vấn. Hy vọng khu vực này luôn được coi là phân khu quan trọng trong quy hoạch chung Tam Kỳ. Một vấn đề nữa, là các giải pháp quy hoạch đô thị phải lồng ghép yếu tố tác động của biến đối khí hậu, nước biển dâng để tăng khả năng chống chịu cho phố. Chừng 4 - 5 năm trở lại đây, phố thường xuyên ngập úng cục bộ mùa mưa.
Cho nên dễ hiểu, trong cuộc làm việc mới đây nhất của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh với lãnh đạo thành phố về quy hoạch đầu tư khu đô thị sinh thái ven sông Tam Kỳ, băn khoăn lớn nhất của Tam Kỳ là tìm giải pháp hữu hiệu chống ngập cho đô thị và cân nhắc thay đổi tuyến đê bao ven sông.
Thiết kế đường đô thị, cao độ khống chế mặt đường phải cao hơn mức nước ngầm, mức nước ngập lụt một cách thỏa đáng để bảo đảm kết cấu mặt đường bền vững và phải chú ý biện pháp gia cố nền đất yếu vì các thành phố thường ở đồng bằng ven biển, nước ngầm cao hoặc chịu ảnh hưởng của thủy triều. Tam Kỳ cũng không ngoại lệ. Đường đô thị là một công trình rất phức tạp, rất khó cải tạo và cải tạo rất tốn kém. Cho nên lưu ý của Chủ tịch UBND tỉnh về “tính toán tổ chức lại không gian các đảo xây dựng đô thị, lưu ý cos nền chuẩn cho các khu dân cư, đầu tư đồng bộ hệ thống cấp thoát nước” là cần thiết.
Các tuyến đê bao ven sông, thềm sông/bãi sông cần được đặt nặng vai trò hơn trong quá trình quy hoạch. Những dải đất nằm ngang kéo dài dọc theo sông hoặc vùng đất có phạm vi từ biên ngoài hành lang bảo vệ đê điều trở ra đến bờ sông cần phải giữ tối đa không gian, đủ (thậm chí dư) cho cơn “vươn vai” của sông mỗi mùa mưa lũ.
Hạn chế tối đa việc thu hẹp dòng sông khi đầu tư phát triển đô thị sinh thái là đúng nhưng song song với đó, cần nghiên cứu mở rộng lưu vực/ thềm sông/bãi sông. Quy hoạch ven sông cần tầm nhìn 50 năm hoặc xa hơn 100 năm cho tương lai dẫu nguồn lực, cơ chế chính sách để thực hiện là vô cùng khó.
Không phải thành phố nào sở hữu một dòng sông cũng có khả năng đưa dòng sông ấy vào khai thác tạo dựng kiến trúc cảnh quan đôi bờ để đô thị trở nên “đáng sống” hơn, tạo bản sắc không gian đô thị. Nhưng Tam Kỳ đã định hướng điều này. Cho nên, các giải pháp về quy hoạch, kiến trúc đô thị, về phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật phải đảm bảo tôn trọng điều kiện tự nhiên, chế độ thủy văn của dòng sông qua phố.
Dự án “Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam” (vay vốn Ngân hàng Thế giới) có một số mục tiêu cụ thể, như: cải tạo hệ thống giao thông thủy nội địa, tăng cường tiêu thoát lũ lưu vực sông Trường Giang, phục vụ dân sinh, du lịch và phát triển kinh tế khu vực; tạo tiền đề để hoàn thiện Khu kinh tế mở Chu Lai theo quy hoạch, làm cơ sở để nghiên cứu phương án thoát lũ cho TP.Tam Kỳ qua sông Trường Giang. Dù dự án mới ở giai đoạn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét nhưng đây cũng sẽ là gợi ý cần thiết khi Tam Kỳ tham vấn cho đề án của mình.
Hy vọng, trong cuộc đi về phía đô thị, những thềm sông xanh bất tận được gìn giữ, cho cơn thèm sông kéo những đứa con ở lại, trở về, xây cho phố bình yên...