Cần khởi nghiệp mạnh hơn trong nông nghiệp
Ngày mai (23.3), TechFest Quang Nam 2021 với chủ đề “Quảng Nam - vùng đất mở cho khởi nghiệp sáng tạo” sẽ diễn ra. Theo ban tổ chức, đây là ngày hội khởi nghiệp sáng tạo (KNST) mang kỳ vọng khơi dậy ý chí canh tân, đổi mới để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Dịp này sẽ có nhiều hoạt động để kết nối Quảng Nam với mạng lưới sinh thái KNST miền Trung – Tây Nguyên, trong đó đáng chú ý là có diễn đàn “Nông dân Quảng Nam - KNST từ sản phẩm địa phương”. Nói đáng chú ý, vì theo góc nhìn của người viết bài này, KNST trên lĩnh vực nông nghiệp, gắn với xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, vẫn là mối quan tâm hàng đầu để cải thiện thu nhập cho nông dân ở khu vực này.
Dù không muốn nhưng phải nhắc lại rằng, vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp vẫn là điểm yếu của nhiều tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Thêm nữa, chúng ta cũng thấy rằng thực trạng thị trường nông sản còn hết sức bấp bênh. Làm ăn kinh tế mà còn hô “giải cứu” mãi, chứng tỏ sự bị động về thị trường, thiếu quy hoạch, tầm nhìn dài hạn. Không thể cứ “nóng đâu phủi đó” hoặc kêu gọi cộng đồng “mở lòng bác ái” chia sẻ với nông dân.
Cũng như cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, trong đó có sản phẩm hàng hóa từ nông nghiệp, nếu không đi vào thực chất thì không tác động cả chuỗi từ sản xuất tới tiêu dùng. Hiện nay, phần lớn nông sản của Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác, không ít sản phẩm tiêu thụ trên thị trường thế giới thông qua thương hiệu của nước khác…
Muốn thay đổi, khắc phục những hạn chế nêu trên rất cần doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trẻ nhập cuộc KNST để đột phá về khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đã có những khuyến cáo về sản xuất theo chuỗi, trong đó đẩy mạnh liên kết giữa nông hộ và doanh nghiệp. Kinh tế hộ cần phải được tổ chức lại, nông dân liên kết thành nghiệp đoàn, hợp tác xã... và có vai trò của doanh nghiệp trong việc kết nối, tổ chức sản xuất theo chuỗi. Chỉ có doanh nghiệp thu mua, chế biến, sản xuất để xuất khẩu mới biết thị trường cần gì.
Doanh nghiệp cùng với nông dân liên kết chặt chẽ thì sản phẩm nông nghiệp mới có thể đáp ứng được yêu cầu truy xuất nguồn gốc và các yêu cầu khác của thị trường, đồng thời xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm. Doanh nghiệp KNST tham gia tạo đột phá cho nông nghiệp về mặt dẫn dắt ứng dụng khoa học công nghệ không chỉ là việc thay chiếc cày gỗ bằng chiếc cày inox hay chiếc máy cày mà phải thay đổi tư duy, tập quán sản xuất theo yêu cầu thị trường, sản xuất cái mà thị trường cần.
Về phía chính quyền, đáng quan tâm không phải là hỗ trợ cho doanh nghiệp cùng nông dân KNST bao nhiêu tiền đầu tư (thực tế cũng rất hạn chế, nhỏ giọt) mà quan trọng là tạo hành lang cơ chế, chính sách, như việc tạo điều kiện tiếp cận vốn, đất đai cho vùng nguyên liệu, đào tạo nhân lực, quảng bá sản phẩm. Đặc biệt hiện nay là hỗ trợ để phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch – an toàn, nông nghiệp công nghệ cao.
Trở lại câu chuyện TechFest Quang Nam 2021 với chủ đề “Quảng Nam - vùng đất mở cho khởi nghiệp sáng tạo”, nhiều người mong đợi dịp này được thưởng lãm thành quả của KNST trên lĩnh vực nông nghiệp thể hiện trong sản phẩm trưng bày, trong đó có các sản phẩm OCOP 4 sao và tiềm năng 4 sao cùng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, khu vực. Quảng Nam cũng là địa phương có hơn 200 sản phẩm OCOP và có nhiều doanh nghiệp trẻ tham gia sản xuất các sản phẩm từ nông nghiệp. Hy vọng từ đó tiếp sức, động viên tinh thần cho KNST trên lĩnh vực nông nghiệp lan tỏa sâu rộng hơn, mạnh hơn!