Cần tiếp tục chỉnh trang Tam Kỳ
Thành tựu xây dựng đô thị Tam Kỳ từ ngày tái lập tỉnh đến nay là điều dễ nhận thấy. Nào đường sá mở ra thênh thang, các khu dân cư trở nên sầm uất, nhà cửa bề thế, mạng lưới dịch vụ ngày càng phong phú… Đáng chú ý là các tuyến đường chiến lược nối hai trục dọc ngang, kéo theo tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Đặc biệt nữa là cư dân Tam Kỳ không còn nhìn thấy nghĩa địa ở giữa trung tâm thành phố (như khu vực giờ là Đại học Quảng Nam); không còn nhiều khu ổ chuột quanh khu vực bến xe, nhà ga, nhà thương, chợ, vạn…
Rõ là không ai không biết từ vóc dáng nhỏ bé và nhếch nhác của một thị xã hồi 1997-1998 nay thành phố đã khang trang hơn rất nhiều, đã đạt 56/59 tiêu chí đô thị loại II, 47/59 tiêu chí đô thị loại I.
Tuy nhiên, dầu là có bước tiến lớn về xây dựng đô thị nhưng Tam Kỳ cũng không tránh được “căn bệnh” mà nhiều thành phố trong nước từng gặp là đầu tư chưa đồng bộ, việc kết nối hạ tầng giữa một số khu vực xây dựng mới và nơi chỉnh trang còn dở dang, mạng lưới công trình công cộng có những điểm nghẽn kéo dài, còn một số “điểm đen môi trường” ô nhiễm...
Lấy ví dụ mới nhất như các tờ báo vừa lên tiếng, phản ánh và đề cập trách nhiệm của một số chủ đầu tư liên quan về các công trình ở An Sơn và Hòa Thuận. Làm sao mà lại để tồn tại thực trạng nhiều hộ dân ở một khu dân cư tại phường An Sơn suốt 17 năm sống khổ sở với những ngôi nhà xuống cấp vì nằm trong quy hoạch dự án treo? Vì đâu mà 20 năm qua, hơn 10 hộ dân tại phường Hòa Thuận, phải sống trong cảnh không có đường, không hệ thống điện, hệ thống thoát nước, môi trường bị ô nhiễm và không thể làm giấy tờ nhà đất?... Đó chỉ là hai vụ việc mà tờ Kinh tế & đô thị, Zing.vn phản ánh, nếu ai chịu khó đi loanh quanh sâu vào các khu dân cư trong lòng đô thị Tam Kỳ sẽ còn phát hiện nhiều hình ảnh “kỳ dị”. Chẳng hạn nhiều khu dân cư mới được quy hoạch tưởng bài bản nhưng đầu tư dở dang, khiến nảy sinh việc lấn chiếm hành lang, từ lối đi bộ tới lối thoát hiểm. Cụ thể như khu dân cư số 1, nay thuộc khối phố Mỹ Hòa, phường An Mỹ, một số lối thoát hiểm sau lưng các dãy nhà, chủ đầu tư trước đây không xây dựng nên giờ rất nhiều hộ tự do lấn chiếm, bít bùng. Hay khu dân cư số 5 ở ngay sát phường An Mỹ vẫn lùng nhùng lối ra kết nối một số điểm. Nhiều con đường trong nội đô đầu tư cũng không đồng bộ, để ngõ cụt, dù chỉ cần làm thêm vài trăm mét, thậm chí mấy chục mét là có thể nối thông đường lớn.
Đưa ra mấy hình ảnh và chuyện không vui trên đây là để thức nhận rằng Tam Kỳ còn nhiều việc phải làm, nhất là cần ưu tiên tiếp tục chỉnh trang từng góc phố, con đường, khu dân cư… khi hướng đến xây dựng thành công một đô thị hiện đại, đô thị sinh thái, đô thị thông minh.
Thiển nghĩ, mục tiêu “phấn đấu xây dựng thành phố tỉnh lỵ Tam Kỳ cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại I vào năm 2025, từng bước xây dựng đô thị sinh thái, thông minh và đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2030”, là định hướng chung từ nghị quyết của tỉnh và thành phố, còn vi mô là phải đi vào từng việc, từng công trình, khu dân cư cụ thể, trước hết cần tiếp tục công việc chỉnh trang đô thị. Ông Trần Nam Hưng, Bí thư Thành ủy Tam Kỳ vừa có bài viết trên báo Quảng Nam khẳng định “trước mắt, cần tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh khớp nối các tuyến giao thông, thoát nước trong khu vực nội thị, giải quyết tốt vệ sinh môi trường, trật tự mỹ quan, văn minh đô thị...”.
Đánh giá thành phố loại gì đều nhìn vào việc cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống cư dân đô thị, nên con đường nào cũng cần bắt đầu từ điểm ấy khởi đi!