Ngã rẽ của kinh tế tư nhân

ĐĂNG QUANG 01/03/2021 08:08

Kinh tế tư nhân từ chỗ bị phân biệt đối xử bất bình đẳng dần được thay đổi danh phận, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

Gần đây, ngã rẽ có tính bước ngoặt về đường lối là Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 10 ngày 3.6.2017 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 10) về phát triển kinh tế tư nhân. Theo đó xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh cùng phát triển theo pháp luật. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nhiều lần khẳng định trên các diễn đàn là “xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân” và “kinh tế tư nhân được phát triển ở tất cả ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm”.

Đáng chú ý, vừa qua Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã đệ trình Thường trực Chính phủ xem xét Đề án đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, trong đó xác định mục tiêu triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Trong các mục tiêu tổng quát của đề án có nêu việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các thành phần kinh tế phát triển; mở rộng sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế ngoài nhà nước trong cung ứng dịch vụ công, xây dựng kết cấu hạ tầng; đảm bảo tính công khai, minh bạch và đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp, tổ chức không phân biệt thành phần kinh tế.

Có thể xem Nghị quyết 10 đối với doanh nghiệp tư nhân cũng có ý nghĩa như chủ trương khoán 10 với nông dân trong nông nghiệp trước đây. Đó là phương cách xóa các rào cản để khơi dậy tinh thần tự chủ, tự lực tự cường, giải phóng sức sản xuất, làm cho hàng hóa dồi dào hơn, thị trường rộng mở hơn. Thực tế, khối kinh tế tư nhân đang đóng góp 42% GDP, 53% cơ cấu vốn và 85% việc làm cho nền kinh tế. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định, những năm qua kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh, trở thành bộ phận quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.

Cùng với cả nước, khối kinh tế tư nhân ở Quảng Nam cũng được chú trọng phát triển và đã đóng góp lớn vào sự tăng trưởng của nền kinh tế địa phương. Điển hình là Khu kinh tế mở Chu Lai, với chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân đã làm đầu tàu tăng trưởng, đóng góp 70% trong tổng thu ngân sách của tỉnh, trong đó nổi bật vai trò “con sếu đầu đàn” Thaco. Cuối tháng 2.2021, Quảng Nam công bố thành lập Ban chỉ đạo đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm có vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Hy vọng với động thái mới này, Khu kinh tế mở Chu Lai nói riêng sẽ triển khai được các dự án có tính “đầu kéo”, từ đó tạo cơ hội cho đầu tư tư nhân tiếp bước theo sau.

Điều đáng lo với Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung là kinh tế tư nhân giờ đây đang đứng trước ngã rẽ chuyển đổi sang trạng thái mới trong bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp. Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong 2 tháng qua, có 21.636 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, cùng 8.380 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể và 3.595 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Có khoảng 7.700 doanh nghiệp đóng cửa, nâng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 2 tháng đầu năm lên đến 33.611 doanh nghiệp, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Do vậy câu chuyện thời sự là làm sao hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng “trụ lại” với thị trường.

ĐĂNG QUANG