Hụi, họ, biêu... phiêu!

ĐĂNG QUANG 01/02/2021 07:30

Tin tức về vụ vỡ hụi ở chợ Vườn Lài (Tam Kỳ) cho thấy cảnh báo câu chuyện huy động góp vốn tự phát trong dân thiếu sự giám sát chặt chẽ từ phía cộng đồng. Vì chỉ khi người dân và tiểu thương góp vốn đến nhà chủ hụi là bà N.T.K.A. (58 tuổi; ngụ phường An Xuân, TP.Tam Kỳ) thì mới hay bà K.A. mất khả năng chi trả tiền góp biêu hụi.

Gói biêu hụi của bà K.A. huy động đã lâu (nhiều người nói là đã tồn tại hơn 10 năm nay), theo hình thức thu tiền góp hàng ngày và cam kết đến nửa tháng Chạp thường niên sẽ kết sổ và cho mọi người “rút ống” cả gốc lẫn lãi. Vì “rất tin tưởng” nên có người đã góp từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng, có nguồn tin cho hay dây hụi này cũng dư nợ khoảng 10 tỷ đồng. Vậy mà sổ sách quản lý số vốn góp của chủ hụi như thế nào, có an toàn không, vì sao bà A. lại mất khả năng chi trả khi vẫn thu tiền hàng ngày, không ai được biết đầy đủ cho đến khi bà A. hả họng than khóc là hết tiền (?!).

Thực tế thời gian qua, ở địa bàn Quảng Nam và nhiều tỉnh khác, chuyện vỡ biêu hụi không hiếm, nhưng dường như bài học cảnh giác chưa ai thuộc cả. Vì huy động tự phát và trên cơ sở tự nguyện tham gia góp biêu, nên dĩ nhiên thành viên của dây họ biêu phải là người cần giám sát trước tiên. Còn về phía chính quyền cũng phải có trách nhiệm giám sát như quy định tại Nghị định số 19/2019/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành vào 19.2.2019 (gọi tắt là NĐ19).

Tưởng cũng cần nhắc rõ, NĐ19 quy định “về họ, hụi, biêu, phường”. Trong đó xác định rất rõ trách nhiệm của chủ biêu hụi, các thành viên góp hụi, đồng thời yêu cầu các cơ quan tư pháp và công an giám sát về tính pháp lý cùng cung cách quản lý dây họ (hụi). Đáng lưu ý là ở điều 14-NĐ19, quy định chủ họ (biêu, hụi) phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây họ khi thuộc một trong các trường hợp sau: a) Tổ chức dây họ có giá trị các phần họ tại một kỳ mở họ từ 100 triệu đồng trở lên; b) Tổ chức từ hai dây họ trở lên. Về văn bản thông báo, phải đảm bảo các nội dung: a) Họ, tên, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của chủ họ; b) Thời gian bắt đầu và kết thúc dây họ; c) Tổng giá trị các phần họ tại kỳ mở họ; d) Tổng số thành viên. Hẳn khi đối chiếu với các điều quy định trong NĐ19, sẽ thấy không chỉ dây họ (biêu, hụi) của bà N.T.K.A. ở chợ Vườn Lài thiếu các điều kiện bảo đảm hoạt động và việc giám sát khá lỏng lẻo.

Việc ban hành NĐ19 “về họ, hụi, biêu, phường” cho thấy về mặt pháp lý, Nhà nước cho phép nhân dân tự tổ chức hình thức huy động vốn góp nhưng đồng thời đặt ra yêu cầu phải đảm bảo an toàn, đúng pháp luật. Nghị định cũng nêu rõ “Chủ họ, thành viên, cá nhân, tổ chức liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác khi tham gia quan hệ về họ”. Tuy nhiên, thực tế các vụ vỡ biêu hụi cho thấy chỉ khi “tiền mất tật mang” thì người ta mới la làng. Nguy cơ mất an ninh trật tự cũng tiềm ẩn khi xảy ra các vụ “xiết đồ” vì chủ hụi mất khả năng chi trả.

Chơi biêu… phiêu hơn gửi tiền tiết kiệm qua ngân hàng nhưng tại sao người ta vẫn thích tham gia, là bởi nó có mô hình tổ chức gọn nhẹ, thích ứng ở các chợ khi tiểu thương góp vốn hàng ngày. Tuy nhiên nếu việc giám sát biêu hụi cứ thả lỏng như lâu nay sẽ khó tránh chuyện vỡ biêu hụi, rồi chính quyền lụi cụi đi xử lý hậu quả.

ĐĂNG QUANG