Điệp khúc mùa màng
Đã một tuần trôi qua sau “lệ hàng năm” với cây lụt cuối mùa hăm ba tháng Mười, giờ đi dọc quốc lộ 1 thấy đồng đất xứ Quảng lại được cày xới, chuẩn bị vụ gieo trồng mới. Mùi bùn đất, phù sa phả lên trong gió đông. Mùi nồng ấm của hạt giống đang ủ. Mùi của bao mùa xưa cũ trở lại với điệp khúc ruộng đồng, xuống giống vụ đông xuân xong, lúa nõn lên bờ là đón tết…
Rồi một năm đầy tai ương sẽ qua, sẽ hết tờ lịch cuối. Biết bao khấp khởi, mong đợi! Thử bấm đốt ngón tay mà tính, dù gặp nhiều thiệt hại, nhưng trong năm Canh Tý - 2020 qua hai vụ lúa, nhìn chung lại được mùa.
Ngành nông nghiệp cho biết tổng sản lượng lúa cả năm đạt hơn 451,4 nghìn tấn, với năng suất tăng 1,43% (bình quân đạt hơn 54 tạ/ha). Nông nghiệp của tỉnh chưa có bứt phá lớn nhưng tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản năm 2020 đạt 14.161 tỷ đồng, tăng 3,02% so với năm 2019.
Vậy nên, người nông dân đất Quảng không có chọn lựa nào khác sau khi đối mặt với thiên tai bão lũ, lại động viên nhau “còn da lông mọc, còn chồi xanh cây”. Từ tâm thế ấy, mùa màng sẽ được gieo cấy, như gieo hy vọng không ngừng.
Nước phân cần giống vẫn là chuyện lo thường của nhà nông. Nhưng nước đã trữ đầy nhiều hồ đập. Giống lúa thì không khó, đâu đó đều có các đại lý công ty cung ứng. Ngành chức năng và các địa phương đang tính kế giúp nông dân bằng cách kết nối đầu mối cung cấp, cho tạm ứng trước giống và phân bón. Nhiều hợp tác xã giúp khâu làm đất và tiếp tục các hợp đồng trồng lúa giống, lúa thương phẩm...
Về các làng quê đồng bằng nghe bà con bàn việc cần hỗ trợ cho nông dân khôi phục sản xuất, nhưng chủ yếu là vụ hoa màu. Với các nhà vườn, hội nông dân giúp tư vấn kỹ thuật phục hồi cây ăn quả, cây cảnh. Các biền bãi cũng rục rịch trở lại chuẩn bị mùa hoa màu. Cái khó là do mấy cây lụt và mưa lớn nối tiếp nhau khiến hạt giống bản địa tranh thủ gieo sớm bị hư hại, giờ cạn nguồn nên phải mua giống từ nơi khác.
Khó khăn hơn vẫn là miền núi, các rẫy nương bị đất đá sạt lở vùi lấp e sẽ khó khôi phục sớm để gieo trồng lúa rẫy lúa nước như ngày trước. Các vườn cây ăn quả, rừng trồng sản xuất, nhiều diện tích bị thiệt hại phải dọn dẹp để phục hồi và trồng mới. Nông dân miền núi hẳn sẽ cần tiếp tục được hỗ trợ lương thực thực phẩm cho mùa giáp hạt, đồng thời dựng lại nhà, dựng lại làng và vườn rừng.
Tỉnh đặc biệt chú ý chỉ đạo khẩn cấp khắc phục hạ tầng giao thông cùng các công trình dân sinh. Nghe kể cái khó không hẳn do thiếu tiền mà là thủ tục, như việc lập làng mới cho các vùng dân cư bị sạt lở, giờ phải trắc địa, lập dự án, thẩm định, đấu thầu, thi công… lòng vòng mất khá nhiều thời gian. Có một hướng đề xuất nên nghiên cứu là ủy thác cho doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng công trình theo kiểu chìa khóa trao tay, chứ để chính quyền làm cho đúng quy trình thủ tục sẽ chậm, khó thể kịp dựng nhà, dựng làng cho bà con vào ở và đón tết sắp tới.
Thì biết vẫn còn đấy nhiều lo toan. Biết là cuộc chạy đua để vượt qua những gian khó vẫn còn muôn trùng. Nhưng qua được đoạn nào mừng đoạn ấy. Các lão nông nhận định ba năm “Tý hư, Sửu hao, Dần bất lợi”, nên sẽ phải gánh gồng thiên tai để tiếp tục gieo cấy những mầm xanh. Và nên thấy là lũ lụt có hại, nhưng đồng ruộng được đền bù phù sa, làm sạch chuột bọ, nhà nông vẫn nuôi hy vọng năm con trâu cày sâu cuốc bẫm cũng sẽ gặt hái kết quả tốt hơn.
Điệp khúc mùa màng, nghe dòng sống cùng thời gian không ngừng trôi…