Thu giữ vũ khí tự chế trái phép
Công an đã phát lệnh truy nã Đỗ Xuân Hải - nghi phạm trú tại xã Trà Dương (Bắc Trà My), gây ra hai vụ nổ súng liên tiếp khiến một người tử vong và một người bị thương nặng, đồng thời dùng dao chém 2 người khác bị thương. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi, bất an chưa thể xua tan được trên các vùng quê xứ Quảng.
Tại sao nói có sự bất an tiềm ẩn? Vì rằng những loại “hàng nóng” - vũ khí tự chế trái phép, chưa thể bị triệt tiêu thì còn gây ám ảnh. Lực lượng chức năng năm nào cũng vận động nhân dân giao nộp vũ khí tự chế, và đã tịch thu, tiêu hủy nhiều, nhưng thực tế không dễ làm cho địa bàn sạch bóng súng tự chế, chứa đựng nguy cơ có thể gây thương tích, án mạng bất ngờ.
Hãy lật lại hồ sơ các vụ thu súng với số lượng lớn mà xem…
Năm 2017, tại Nam Giang, đã có đến hơn 430 súng săn các loại được cơ quan chức năng thu giữ trong đó có nhiều loại súng có tính sát thương cao. Ở huyện Đông Giang cũng đã thu giữ hơn 120 khẩu súng tự chế.
Năm 2018, cũng tại Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, lực lượng công an đã vận động thu hồi gần 1.000 khẩu súng tự chế được đồng bào lưu trữ, sử dụng để săn bắn thú rừng. Còn tính cả tỉnh, đến tháng 6.2018, Công an tỉnh tiến hành kiểm kê, bàn giao 1.139 khẩu súng hơi cồn tự chế, 272 khẩu súng săn tự chế, 54 khẩu súng quân dụng, 63 dao kiếm, 289 công cụ hỗ trợ các loại và 138 linh kiện, bộ phận súng tự chế để phân loại và tiêu hủy.
Từ đầu năm đến tháng 6.2020, trên địa bàn huyện Nam Trà My, Công an huyện vận động nhân dân giao nộp, thu hồi 28 khẩu súng tự chế cùng nhiều vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ khác.
(…)
Kiểm đếm sơ bộ như vậy đã thấy mấy năm qua, vũ khí tự chế vẫn được giao nộp, hoặc qua kiểm tra bị thu giữ, nhưng không ai dám khẳng định là đã hết chưa, vì nếu người dân vẫn giấu thì sao? Phương thức “vận động” giao nộp vũ khí tự chế chỉ trông chờ vào sự “tự giác” nên rất khó để nói rằng địa bàn đã sạch hay chưa. Đặc biệt, đáng lo hơn là vũ khí tự chế nói chung, súng tự chế nói riêng, không phải chỉ có một số lượng hữu hạn cố định để ước đoán khi nào thu hết sẽ không còn nguy cơ gì nữa. Thực tế, súng tự chế vẫn được làm ra ở đâu đó mà lực lượng chức năng khó nắm bắt. Chúng ta đã từng biết ở Tiên Phước, năm 2019, Công an tỉnh phát hiện, thu giữ nhiều súng tự chế, linh kiện chế tạo súng tự chế được các đối tượng đặt mua trên mạng internet và giao hàng qua dịch vụ COD bưu điện - giao hàng thu tiền toàn quốc; qua đó đã thu giữ 14 khẩu súng tự chế, 2 súng hơi, 7 ống ngắm, 2 ống giảm thanh, các loại linh kiện dùng để chế tạo súng tự chế.
Nêu thực trạng như trên, chúng tôi muốn cảnh báo rằng, nếu không có biện pháp mạnh và khả thi thì việc quản lý, thu giữ vũ khí tự chế sẽ vẫn là chuyện dài khó dứt, những án mạng có thể tiếp tục xảy ra khi dùng súng tự chế để giải quyết các mâu thuẫn, xung đột. Như vậy, lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương cần tuyên truyền thực hiện nghiêm Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (ban hành năm 2017); trong đó có Điều 5 nghiêm cấm “nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ”. Hay có thể áp dụng theo Điều 10, Nghị định 167/2013/ NĐ-CP với mức phạt tiền từ 20 đến 40 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, chế tạo, sửa chữa vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn trái phép.
Phải ngăn chặn được việc làm ra và lưu hành vũ khí tự chế trái phép, mới đảm bảo cuộc sống bình an.