Tư duy lại nhiều vấn đề phát triển miền núi

ĐĂNG QUANG 09/11/2020 10:22

Cơn đau do thảm họa bão lũ, sạt lở núi, mất người, trôi nhà… sẽ khó phôi pha. Cơn đau đó dội vào nghị trường Quốc hội, xoáy lên những câu hỏi đau đáu về năng lực phòng tránh thiên tai, về đầu tư căn cơ sau những đợt cứu trợ, về chính sách phát triển năng lượng (thủy điện), về việc giữ rừng, trồng rừng…

Với Quảng Nam, thiệt hại nặng từ đồng bằng lên miền núi, khổ nhất là đồng bào trên núi, có thể sẽ mất thời gian dài tới đây để lo công cuộc tái thiết, khôi phục đời sống. Khôi phục hạ tầng giao thông, các công trình dân sinh, dựng lại những ngôi làng, sắp xếp lại dân cư phòng tránh các điểm sạt lở… là những việc cấp thiết. Lâu dài là sinh kế người dân, chắt chiu cả đời giờ đã trắng tay, phải tìm việc gì làm, đất sản xuất ở đâu, lựa chọn cây con gì để nuôi trồng, làm sao có thu nhập mà giữ được rừng. Hệ thống thủy điện phải rà soát ra sao để đảm bảo an toàn hồ đập, điều tiết được lũ, tính toán làm sao để giảm thiểu xung đột lợi ích.

Sau các câu chuyện đó đòi hỏi tư duy lại nhiều vấn đề phát triển miền núi. Thiển ý của người viết bài này cần tập trung vào ba vấn đề chính là THỦY ĐIỆN, RỪNG, SINH KẾ NGƯỜI DÂN.

Xới xáo trên diễn đàn Quốc hội và dư luận xã hội đã bàn chuyện thủy điện là tác nhân gây mất rừng, làm đảo lộn hệ sinh thái, chế độ thủy văn, và kể cả tác động địa chất khi chứa những “quả bom nước” khổng lồ. Đúng là phải tính toán chiến lược năng lượng, làm sao có nguồn điện để phục vụ sản xuất và sinh hoạt, nhưng thủy điện đã phát triển quá hạn mức, tức đã vượt qua sức chống chịu thì cần đến lúc không cho phép triển khai dự án nào nữa. Quảng Nam cũng có mức độ đậm đặc về thủy điện lại càng nên kiên quyết nói không và thậm chí cần tính toán lộ trình giải tỏa bớt những thủy điện nhỏ để trả lại sự cân bằng sinh thái, thủy văn.

Với rừng, việc tranh luận về tính toán độ che phủ và chất lượng rừng chưa đả thông một cách triệt để. Rõ ràng có sự bất hợp lý khi quy nạp độ che phủ các loại rừng trồng với rừng tự nhiên. Rừng với hỗn hợp hệ động thực vật phong phú đã mất dần và thay thế bằng các loại cây không giữ nước, độ bám kém, dưỡng khí không có (như rừng cao su). Nghĩa là chưa nói chuyện lâm tặc phá rừng, hay “phá rừng hợp pháp” bởi các dự án như thủy điện là làm nghèo vốn rừng mà trong chiến lược trồng rừng thay thế cũng làm nghèo rừng. Nhớ năm 1998 tôi theo đoàn khảo sát của tỉnh theo đường 14 lên tận biên giới Việt - Lào, thấy hai bên đường còn đầy những cây lim, chò, huỷnh, kiền kiền, rừng giăng giăng mấy tầng rậm rịt…, giờ thì chạy bon bon mà thoảng thấy sót vài cây cổ thụ đơn độc, rừng keo ngày càng nhiều hơn. Vậy nên, chiến lược giữ rừng nguyên sinh, trồng rừng giờ đây phải có cách tiếp cận khác. Thử nghĩ nếu chiến lược phát triển vùng nguyên liệu dược liệu như cây sâm, ba kích, giảo cổ lam… mà không có rừng đúng nghĩa che phủ thì sẽ phá sản.

Về sinh kế người dân, “an cư mới lạc nghiệp” nên cần tiếp tục ưu tiên quy hoạch sắp xếp dân cư miền núi phòng tránh thiên tai. Do biến động của địa chất rất lớn nên quan trắc về kết cấu địa tầng, bản đồ những điểm có nguy cơ sạt lở chắc chắn phải làm (bản đồ hiện có với tỷ lệ 1/50.000 quá rộng để quan sát, cảnh báo); từ đó mới có cơ sở bố trí các công trình hạ tầng công cộng và khu dân cư phù hợp. Sinh kế của người dân cũng cần gắn với rừng, trồng rừng và bảo vệ rừng. Xác định rõ trách nhiệm chia sẻ lợi ích với cộng đồng của các chủ dự án đầu tư có tác động đến đất rừng và môi trường sinh thái.

Tư duy lại một cách hệ thống chiến lược, làm sao để ứng xử hài hòa với tự nhiên, thích ứng phòng chống thiên tai và nhân tai thì mới có thể phát triển bền vững được.

ĐĂNG QUANG