"Có một cây là có rừng..."
Sáng nay 5.10, Quỹ Ươm mầm tài năng đất Quảng, do Báo Quảng Nam sáng lập, sẽ tặng thưởng cho 18 gương mặt tài năng. Như vậy, đến nay, quỹ đã 11 lần trao thưởng cho hơn 200 học sinh, sinh viên, vận động viên có thành tích xuất sắc. Bắt đầu từ những “hạt mầm”, giờ đây có cây đã nảy thêm cành nhánh, vươn cao, có người đã trưởng thành.
Nếu như cách nói ví von việc vun đắp tài năng là “vì lợi ích 10 năm trồng cây”, thì thời gian đủ đi qua một chu kỳ làm xanh lên bao ước mơ của vùng đất học. Khởi đi từ năm 2010, qua từng năm “có một cây là có rừng”, đã góp phần từng chút nhen lên hệ sinh thái khuyến học, khuyến tài trên quê hương Quảng Nam.
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, người gợi nên ý tưởng cho Báo Quảng Nam thành lập Quỹ Ươm mầm tài năng, dù nay đã về miền mây trắng thì ông cũng có thể mỉm cười cùng bước chân vui của học trò xứ Quảng được động viên khuyến khích trên con đường học tập, sáng tạo. Càng vui hơn khi có nhiều em học sinh, sinh viên, tiếp tục đi nghiên cứu sinh, trở thành thạc sĩ, tiến sĩ, đóng góp cho khoa học và đời sống. Nhiều vận động viên rèn luyện thành tài, gặt hái thành tích cao trên các đấu trường trong nước, cả khu vực và quốc tế.
Nhân nói về danh xưng “đất học”, cũng nên xác tín lại điều này, đất nào cũng có người học hành, nhiều vùng đất cũng vang danh sự học như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,… đâu phải riêng Quảng Nam. Nhưng có lẽ mang tâm thế của lịch sử “vùng đất mở rộng về phương Nam” từ xưa, con người xứ Quảng đã cố tìm cách vươn lên, mở rộng tầm nhìn bằng khao khát học hỏi không cùng. Hiếu học và học giỏi nên qua 100 năm khoa cử của triều Nguyễn, khoa bảng Quảng Nam xếp thứ 6 trong số 21 địa phương của cả nước.
Không chỉ có “Ngũ phụng tề phi” với hình ảnh 5 con chim phụng cùng đỗ cao trong một khoa thi mà người Quảng còn có “Lục phụng bất tề phi”. Đó là danh xưng mà sinh thời, học giả, “nhà Quảng Nam học” Nguyễn Văn Xuân, đã đề nghị dành cho 6 vị tuy không đỗ cùng một khoa nhưng đã góp công đầu cho lịch sử, văn hóa xứ Quảng, như: Phạm Phú Thứ (tiến sĩ), Phan Châu Trinh, Nguyễn Duy Hiệu (phó bảng), Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng (tiến sĩ), Phạm Như Xương (hoàng giáp).
Sự học, cũng không bó hẹp trong chữ nghĩa, khoa bảng, mà người Quảng còn học để mở mang “đất trăm nghề”. Học từ cày cấy, tằm tang. Học đi biển, làm ghe bầu buôn bán; học cả cách chế biến nước mắm, mắm cái của cư dân bản địa. Học khắp xứ, kể cả người ngoại quốc, để mở thương cảng quốc tế từ thế kỷ XVII… Vậy nên, cần noi theo truyền thống “đất học” với nghĩa rộng, tức là học để đổi mới, sáng tạo, để tư duy mở. Tưởng cũng cần nhắc lại tư duy ấy với tinh thần “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” mà các nhà Duy tân của Quảng Nam nhận lãnh sứ mệnh tiên phong trong lịch sử.
Để tiếp tục dòng chảy của đất học, ngày nay cần biết bao sự khuyến khích, ươm mầm tài năng từ gia đình, nhà trường và xã hội. Từ những hạt mầm tốt còn cần tiếp tục dưỡng nuôi, vun đắp, tạo môi trường cho cây thành khu vườn ươm, rồi thành cả cánh rừng xanh. Cho nên luôn cần sự đồng hành của lãnh đạo địa phương, các ngành liên quan, hội khuyến học, các nhà tài trợ cho Quỹ Ươm mầm tài năng đất Quảng. Từ đó tiếp tục mở ra, xiển dương cho công tác khuyến học, khuyến tài lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
Qua hơn 10 năm, bước lên hành trình mới đầy khao khát mới. Như tinh thần phấn đấu phát triển Quảng Nam thành tỉnh khá của cả nước mà nội dung dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đặt ra, kỳ vọng việc ươm mầm tài năng trên các lĩnh vực sẽ là một phần quan trọng của chiến lược đầu tư đổi mới giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.