Kết nối phân phối nông sản
Nông sản, thí dụ như trái cây mà mãi đu dây thị trường Trung Quốc rất khó tìm sự bền vững. Không chỉ do hàng rào kỹ thuật ngày càng phức tạp hơn, mà còn vì “chữ tín” gập ghềnh, nên gần đây xu hướng xuất khẩu hàng nông sản vào Trung Quốc giảm dần.
Dù vẫn còn tỷ lệ lớn kim ngạch xuất khẩu thu được từ thị trường Trung Quốc nhưng các vựa trái cây lớn ở hai đầu đất nước đã từng bước tìm cách mở rộng đường xuất khẩu. Đáng mừng là các sản phẩm trái cây chủ lực như vải, nhãn, thanh long, chôm chôm, xoài, chuối, dừa, vú sữa… của xứ Việt bước đầu đã vào được các thị trường khó tính cả Âu, Mỹ, Đông Á, châu Đại dương, tính chung có khoảng 60 nước nhập khẩu trái cây Việt Nam. Đó là nhờ có sự kết nối hệ thống phân phối.
Kỳ vọng là với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, nông sản nói chung và trái cây nói riêng sẽ thêm hướng mở, thêm cơ hội gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Sẽ khó đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản năm nay khoảng 42 tỷ USD, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 (7 tháng mới được hơn 22,3 tỷ), nhưng khi hệ thống phân phối được kết nối và mở rộng thì dự báo triển vọng sẽ sáng sủa hơn.
Quảng Nam có tiềm năng xuất khẩu một số mặt hàng nông sản, nhưng với quy mô hiện tại thì chủ yếu cung ứng trong nội vùng, nội địa. Bởi như thủy sản, lượng và chất còn hạn chế, nếu xuất khẩu được thì phải qua bước trung gian đầu nậu chế biến và đưa vào hệ thống phân phối của họ. Lâm sản, chủ yếu là gỗ rừng trồng và hàng mỹ nghệ mây tre lá, đang lách qua các phân khúc hẹp để xuất khẩu ra bên ngoài.
Việc từng đưa dưa hấu Kỳ Lý đi Trung Quốc, lúc được lúc không vì kết nối thương lái rất bấp bênh. Ngoài ra, một số loại trái cây khác không đủ sản lượng và sự ổn định cần có để mở rộng hệ thống phân phối quốc tế mà chỉ đủ cung ứng trong nội vùng, nội địa.
Ví như mấy năm nay nghe đồn tiếng tăm sầu riêng Tiên Phước nhưng chỉ cung cấp cho đơn hàng lẻ tẻ đặt cọc sẵn có trái nào thu trái nấy mà không thấy ra thị trường. Vừa rồi, thanh trà Trà Khân, Tiên Hiệp (Tiên Phước), do dịch Covid ứ đọng khoảng 100 tấn, nhưng chỉ với hệ thống kết nối trên “chợ online” có thể giải quyết cấp thời ngay trên xứ Quảng. Còn bưởi trụ lông Đại Bình (Nông Sơn) đưa xuống siêu thị Co-opmart Tam Kỳ, nhưng sản lượng ít thôi... Nhận diện vậy để thấy kết nối hệ thống phân phối nội vùng, nội địa sẽ còn là chuyện cần thiết trong tương lai gần của Quảng Nam.
Muốn gia nhập hệ thống phân phối quốc gia và quốc tế, cần có sự vào cuộc của các doanh nghiệp đầu tàu kết nối từ vùng nguyên liệu với quy mô tương ứng đến nhà máy chế biến và đưa vào mạng lưới xuất khẩu nông sản. Quảng Nam muốn tham gia hệ thống phân phối này, cần làm gì và bắt đầu từ đâu?
Tại Quảng Nam, có lẽ chỉ Thaco (với tổng công ty Thadi) mới đủ tiềm lực mở đường gia nhập hệ thống phân phối quốc tế một cách bài bản và có quy mô đáng kể hơn (đã thành công bước đầu với việc xuất khẩu một số mặt hàng, trong đó có chuối). Thadi ấp ủ kế hoạch dài hơi về sản xuất, chế biến, kinh doanh cây ăn trái, ngũ cốc, chăn nuôi, lâm nghiệp và vật tư nông nghiệp xuyên suốt chuỗi giá trị (từ Nghiên cứu thực nghiệm - sản xuất trồng trọt (kết hợp chăn nuôi) - sản xuất chế biến - phân phối).
Hệ thống phân phối mà Thadi nhắm tới là các thị trường mục tiêu không chỉ Trung Quốc mà còn có Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông, có thể giải quyết đầu ra sản phẩm từ nhà máy chế biến trái cây tại Chu Lai (công suất dự tính 500.000 tấn/năm). Vậy Quảng Nam cần nghiên cứu việc kết nối với Thadi để tìm hướng đi đột phá về phát triển vùng nguyên liệu và phân phối tiêu thụ, xuất khẩu nông sản hàng hóa.