Cảnh giác những làn sóng bất định

ĐĂNG QUANG 24/08/2020 08:48

Làn sóng thứ hai của dịch Covid-19, tràn đến Đà Nẵng, Quảng Nam rồi lan ra nhiều tỉnh thành khác, có vẻ đã “êm êm” với số ca nhiễm giảm dần. Các “đội đặc nhiệm” với những chuyên gia y tế hàng đầu, được rút về Trung ương, về Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, cho thấy tình hình “chiến trường” đã được kiểm soát.

Nhiều khu vực cách ly của Đà Nẵng, Quảng Nam dần được dỡ lệnh phong tỏa. Nhiều đô thị, vùng quê rậm rịch trở lại nhịp sống thường nhật. Ở Tam Kỳ, tỉnh lỵ Quảng Nam, dù không có lệnh cách ly toàn thành phố nhưng thời gian qua nhiều người dân tự ý đóng cửa hàng quán để phòng dịch, trong tuần này cũng bắt đầu mở lại…

Chuyện đời sống tất phải theo dòng chảy như thế, khi cơn bão đi  qua thì “còn da lông mọc, còn chồi  xanh cây”, rồi cũng phải gượng dậy mà bước tiếp. Kẻ trở lại nhà máy, người đi lại bán buôn, trẻ đi học, cha mẹ đi làm. Mừng nhất có lẽ là tiểu thương các chợ, siêu thị, quán xá hy vọng có thể xoay xở kiếm đồng ra đồng vào. Nhưng, đúng là cần chữ “nhưng” cho mọi chuyện cảnh giác, rằng dịch có êm đấy mà làn sóng bất định vẫn  rập rình. Lúc này có thể nói thẳng ra  là đợt dịch vừa qua đem lại bài học kiểm soát không bao giờ thừa. Nếu cảnh giác, việc kiểm soát người nhập cảnh trái phép sẽ không để những lỗ hổng đáng sợ. Nếu cảnh giác, tất  cả bệnh viện phải xét nghiệm ngay những người có triệu chứng nhiễm dịch khi vào ra, lấy đầy đủ khai báo y tế và tầm soát để phòng xa. Nếu cảnh giác, ta sẽ không nôn nóng mở các hoạt động xúc tiến dịch vụ du lịch rầm rộ tập trung đông người khi thiếu các biện pháp phòng vệ. Nếu cảnh giác, việc ngăn chặn bằng cách ly  chặt chẽ và mạnh mẽ ngay từ đầu, sẽ không còn cuộc “chạy đua tìm F” với nỗi lo mất dấu…

Nhiều bài học lắm, nhưng để cái dây kinh nghiệm không phải rơi vào  tình cảnh càng rút càng dài, thì ngay sau đợt hai này, những làn sóng bất định đều cần dự lường, tiên báo và tăng cường biện pháp phòng vệ. Các bệnh viện, chợ, trường học, nhà máy, xe khách đi lại, các nơi tập trung đông người đều cần có “văn hóa đeo khẩu trang”, sát khuẩn, quy định sự giãn cách cần thiết, đảm bảo phát hiện và xử lý nhanh các triệu chứng, tình huống bất thường. Nên nhớ rằng, tâm lý bị ẩn ức, trầm cảm, căng cứng cảm xúc bức bí sau thời gian cách ly khiến người ta dễ “bung xõa”, lan ra cả cộng đồng náo nhiệt, “ăn chơi không sợ mưa rơi” chẳng cần bảo vệ sức khỏe. Và mặc dù đợt này người ta đã bớt đi cái chuyện “ngạo nghễ” tuyên bố “chiến thắng” dịch Covid-19, nhưng coi chừng cái tính tự mãn và  hay quên.

Những làn sóng bất định còn tiềm ẩn trong đời sống, từ hệ lụy của dịch  bệnh, sẽ nảy sinh các vấn đề phức tạp. Lao động mất việc làm, nên “nhàn cư vi bất thiện” dễ sinh biến trong sinh hoạt xã hội, gây mất trật tự trị an. Nạn trộm cướp hoành hành. Nguy cơ vỡ nợ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ kéo theo trạng thái “biến động - bất định  - phức tạp - mơ hồ” trong tổ chức sản xuất, kinh doanh, dễ khiến người ta lựa chọn làm ăn theo kiểu “một liều  ba bảy cũng liều”.

Tâm trạng xã hội được nhen nhóm từ tâm lý mỗi người trong cộng đồng. Như một số chuyên gia y tế nhận định, cú sốc tâm lý do dịch Covid-19 gây ra khiến hình thành ít nhất ba nhóm đối tượng: nhóm vượt qua được ảnh hưởng thì tự tin hơn, nhóm bị căng thẳng thì trầm cảm, nhóm bị rối loạn bởi khủng hoảng thì khó kiểm soát được hành vi  xã hội. Do đó, không chỉ đơn thuần là cần hỗ trợ về phục hồi kinh tế, giúp sinh kế đời sống của người dân, mà còn cần các biện pháp hỗ trợ tâm lý, “sơ cứu tâm lý” cho những đối tượng bị ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc khủng hoảng do Covid-19.

Bầu trời quang đãng trở lại nhưng những đám mây bất định, lang thang đâu đó, hãy ngó chừng!

ĐĂNG QUANG