Phỏng vấn cô Vi
- Thế giới đặt tên cô đủ kiểu, nào Wuhanvirus, Coronavirus, nCoV, Sars-Cov-2, Covid-19… thôi thì gọi theo người bình dân xứ Việt là cô Vi, không ai chào đón mà sao cô đến để gây khổ nạn cho mọi người?
- Thiên sứ hay quỷ sứ, bụt hay ma, đâu có đợi người ta đón chào mới đến. Vi tôi đến vì muốn mang bài học kinh nghiệm đáng giá cho con người.
- Úi trời, cô chưa đủ thấy tàn nhẫn sao, người đổ bệnh, người mất việc làm, cả xã hội xáo trộn, kinh tế điêu đứng, không chết dịch thì nguy cơ chết vì đói rã họng?
- Đúng, tôi mang đến những tai họa đó, nhưng cũng kèm theo lời cảnh tỉnh về phát triển bền vững?
- Tưởng gì, lâu ni quốc gia nào, tỉnh thành nào, địa phương nào không nói câu chuyện ấy. Đó là chiến lược rồi, có gì bàn nữa?
- Nói và làm khác nhau, đề ra chiến lược nhưng sách lược thực thi khác lắm, đôi khi ngược lại.
- Ví dụ?
- Ngay ở bài toán ngân sách đã thể hiện sự cân đối không bền vững. Nhiều địa phương làm ra bao nhiêu tiêu bấy nhiêu mà không có tích lũy nên khi có thiên tai dịch bệnh là tức thì khủng hoảng nguồn lực trầm trọng. Thậm chí qua đợt cô Vi đến lần trước, có nơi còn tranh thủ vơ vét, đầu tư thêm những công trình vô bổ, mua sắm công sản vô tội vạ. Rồi nữa, nguồn lực nội sinh là quan trọng, kinh tế thị trường nội địa bị bỏ ngỏ mà chỉ chăm chắm xuất khẩu nên khi đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu là suy thoái. Trong xuất khẩu thì phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, cô Vi tôi ra đi từ đó nên hiểu nhiều nước và Việt Nam khổ ải vì sự phụ thuộc này. Trong kinh tế, còn cần chú ý phát triển loại hình “kinh tế phi tiếp xúc” bằng ứng dụng công nghệ tự động, số hóa, công nghệ thông tin, khiến cho chi phí ít hơn nên lãi hơn, an toàn hơn. Ví dụ ngay, nền “kinh tế tiền mặt” của Việt Nam phải thay đổi nếu không muốn dịch bệnh có môi trường lây nhiễm qua tiếp xúc.
- Còn chuyện nào khác?
- Toàn cầu hóa và thách thức an ninh quốc gia là vấn đề tiếp theo. Hội nhập toàn cầu là tốt nhưng không chỉ có gió lành mà còn có gió độc từ bên ngoài tràn đến. Mở rộng cửa biên mậu là cần nhưng phải song hành bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Vụ việc người Trung Quốc nhập cảnh trái phép cho thấy có sự lơi lỏng nhiều khâu kiểm soát. Đặc biệt, đáng sợ như ca bệnh 912 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép mới bị phát hiện ở TP.Hồ Chí Minh, họ có thể gây lây nhiễm ra cộng đồng mà không tìm được dấu F0.
- Trở lại câu chuyện phát triển bền vững, ngoài kinh tế và an ninh, cô Vi còn mang đến lời cảnh báo gì?
- Đầu tư cho xã hội và môi trường, đó là hai thành tố rất quan trọng ngoài việc chú ý mục tiêu tăng trưởng. Đầu tư xã hội phải chú trọng nhiều hơn vào y tế, vào hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Một xã hội phát triển bền vững thì ở đó mạng lưới y tế không những chăm sóc tốt sức khỏe cộng đồng trong điều kiện bình thường mà còn đủ sức ứng phó, chống chịu những cơn dịch giã bất ngờ tràn đến, xử lý thảm họa và hạn chế tối thiểu thiệt hại nhân mạng. Bên cạnh đó cần có môi trường sống trong lành, ít ô nhiễm, đảm bảo các chỉ số an toàn cho sức khỏe, nhất là khí trời, không gian xanh, nước sinh hoạt… Bạn có thấy nhờ tôi đến buộc mọi người cách ly nên ít xả thải, khiến khí trời, biển cả đỡ ô nhiễm hơn không? Hãy nhớ rằng để đảm bảo có một tương lai an toàn hơn, phồn vinh hơn, chỉ có con đường là giải quyết một cách cân đối các vấn đề về môi trường và phát triển cùng một lúc.
- Dù sao cũng cảm ơn cô Vi về những gì đã cảnh báo, nhưng thực sự mong cô... chết sớm để dân tôi nhờ, bởi họ khổ đau quá nhiều vì thiên tai địch họa. Xin ghi nhớ các bài học, xin tống tiễn, bái bai cô!