Tia nắng hội nhập

ĐĂNG QUANG 03/08/2020 04:36

Xuyên qua đám mây tin tức xám xịt về Covid-19, có tia nắng gợi mở bầu trời khác về công cuộc hội nhập kinh tế thế giới: Đầu tháng 8 này, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực.

Thật khó bàn rốt ráo về vận hội, thời cơ, thách thức khi mà dịch bệnh đang là nỗi lo trước mắt. Nhưng câu chuyện 10 năm đàm phán để ký kết EVFTA mở ra cánh cửa vào một thị trường mới đầy triển vọng không thể không khao khát bước tiếp hội nhập mạnh mẽ hơn. Bởi EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4, thị trường xuất khẩu thứ 2 và là nhà đầu tư thứ 5 của Việt Nam.

Trong lĩnh vực thương mại, EU-27 đang là một trong các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam - EU năm 2019 đạt 49,8 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 35,8 tỷ USD. Vì thế EVFTA là cơ hội vàng giúp hai bên đẩy mạnh hợp tác và cùng phát triển.

Theo các chuyên gia phân tích, cam kết của EU trong EVFTA là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Tiếp đó, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của ta sau 7 năm nữa. Với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại của Việt Nam, EU dành cho ta hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Nếu tận dụng tốt các điều khoản này, hàng Việt sẽ tăng khả năng cạnh tranh, tiếp tục mở cửa thị trường thế giới để không bị lệ thuộc quá lớn vào Trung Quốc.

Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vốn có thế mạnh nay sang thị trường EU kỳ vọng hưởng lợi hơn như hàng dệt may, giày dép các loại, các sản phẩm nông - lâm - thủy sản, các sản phẩm nhựa và nhiều mặt hàng khác...

Ngay như mặt hàng gạo, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo (thuế 0%) đối với gạo xay xát và gạo thơm, đồng thời xóa bỏ thuế đối với tấm trong 5 năm. Đây là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang EU trong thời gian tới, bởi khu vực này đang tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn gạo/năm.

Đứng trước cơ hội đó của quốc gia, các vùng kinh tế trọng điểm, các tỉnh thành trong nước cần làm gì? Thiết nghĩ trong những báo cáo chính trị, phác thảo định hướng cho nhiệm kỳ tới đây, vấn đề này cần được bàn luận, định vị cho được các phương thức thúc đẩy hội nhập kinh tế.

Theo dõi các đại hội đảng bộ cấp huyện ở Quảng Nam suốt mấy tuần qua, có thấy đây đó những góp ý về giải pháp phát triển công nghiệp, công nghệ chế biến, về sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, về gia tăng hàm lượng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất…, tuy nhiên để rõ định hướng hội nhập kinh tế có lẽ cần chuẩn bị thảo luận đầy đủ hơn trong kỳ đại hội đảng bộ tỉnh sắp tới.

Có người sẽ nói rằng chuyện đó ở tầm vĩ mô, ở cấp trung ương mới bàn, nhưng hẳn không phải vậy. Hãy nghĩ như câu sologan rất thú vị đã được thực thi như phương châm thu hút đầu tư ở một huyện của Quảng Nam: “Doanh nghiệp phát tài - Đại Lộc phát triển”. Mở rộng ra cả tỉnh, rồi cả nước, câu đó điểm trúng cái lõi là nếu không tập trung tạo điều kiện cho doanh nghiệp lớn mạnh, thì sẽ không có đột phá phát triển, không có sản phẩm để hội nhập thị trường, không tăng nguồn thu, không tăng trưởng.

Doanh nghiệp ở Quảng Nam tuy phần lớn còn quy mô vừa và nhỏ, song sẽ phải tìm những phân khúc thị trường với những sản phẩm phù hợp để trả lời câu hỏi: Có thể vào châu Âu được không? Đó là vấn đề phát triển kinh tế thời hậu Covid-19 được sưởi ấm từ tia nắng hội nhập.

ĐĂNG QUANG