Hạ giá và hạ cấp

ĐĂNG QUANG 29/06/2020 06:20

Du lịch nội địa đang được tập trung kích cầu, đặc biệt với chương trình “người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.

Với các gói khuyến mãi, một cuộc đua hạ giá đã diễn ra. Cơ hội du lịch giá rẻ chưa bao giờ rộng cửa như bây giờ cho giới bình dân. Chẳng hạn, tour 8 ngày 7 đêm đi từ Đà Nẵng đến Nha Trang - Sài Gòn - miền Tây Nam Bộ, thấy rao khoảng 4,9 triệu đồng; hoặc từ Đà Nẵng đi Nha Trang, Đà Lạt, 5 ngày 4 đêm cũng chỉ tốn khoảng 2,3 triệu đồng.

Trong nội vùng như Quảng Nam, trọng điểm các tour đến Hội An cũng khá rẻ; đặt phòng qua hệ thống Agoda.com có chỗ sang trọng nhưng mức giá chỉ còn 500 - 600 nghìn đồng/đêm, bao luôn bữa điểm tâm.  

Chuyện hạ giá để khởi động lại các chương trình du lịch là cần thiết, đồng thời tạo điều kiện tạo đà hồi phục sau dịch Covid-19. Hẳn các cơ sở du lịch như khách sạn, khu nghỉ dưỡng cũng cần có khách để “hâm nóng” không khí cho đỡ mốc meo, còn doanh thu dịch vụ thu được giỏi lắm bù chi phí duy trì bảo dưỡng mà thôi. Nhưng điều đáng lo làm sao với mức giá đua nhau hạ xuống không làm hạ cấp du lịch.

Bởi nếu để có giá rẻ mà cắt đi nhiều khoản phục vụ thì như chuyên gia marketing Phạm Vũ Tùng khuyến cáo: “Các doanh nghiệp đừng nghĩ rằng đang thời kỳ phục hồi du lịch mọi người đều muốn đi thì doanh nghiệp và điểm đến muốn làm gì khách cũng ủng hộ miễn là giá rẻ. Để tồn tại, đôi khi doanh nghiệp đã tìm mọi cách kể cả giảm giá khủng để thu hút một lượng lớn khách hàng hay cắt bỏ bớt một loạt các dịch vụ nhằm giảm giá lôi kéo, điều này dẫn đến trải nghiệm của khách hàng không tốt. Điều đó làm mất giá trị của thương hiệu mà họ dày công xây dựng. Thương hiệu vẫn có thể tồn tại sau mùa dịch nhưng khách hàng sẽ nhìn họ như là một thương hiệu thấp cấp hơn so với trước kia”.

Không phải là suy đoán lý thuyết, đây là tình trạng đã từng diễn ra trên thực tế. Như một du khách tên là Nguyen Ly Huu Quan đã phản ánh trên tờ VnExpress về tình trạng ở Bà Nà hồi đầu tháng 6, dù rao giá phòng giảm nhiều nhưng khi gia đình khách đến nơi thì bố trí phòng nhỏ, không thấy có nhân viên phục vụ, lễ tân.

“Nhà hàng thì chỉ còn một cái phục vụ bữa tối (giá rất đắt). Bar chưa mở cửa lại. Các hoạt động biểu diễn ngoài trời bị cắt hết. Lúc trả phòng do chưa tới 12h trưa nên phải tự túc di chuyển qua cáp chung chứ không được đi cáp riêng của khách sạn như trước đây. Hỏi lễ tân thì họ nói xuống chân cáp sẽ có xe đón đưa về bãi xe. Đến nơi thì bơ vơ giữa trưa nắng, phải chờ rất lâu và hối thúc nhiều lần thì mới có xe rước” - Nguyen Ly Huu Quan kể.

Chuyện tương tự đã xảy ra ở một số tour khác khi du khách được chào tour, nói sẽ được miễn phí giá vé tham quan di tích nơi này nơi kia nhưng đến nơi thì vẫn còn đóng cửa im lìm. Những kiểu như vậy làm cho du khách trải nghiệm cảm giác không mấy vui vẻ.

Có người nói, với giá rẻ thì đòi hỏi gì nữa, tiền nào của nấy, nhưng đâu phải ai cũng thỏa mãn với việc hạ cấp chất lượng phục vụ, đặc biệt là khi những cam kết trong chương trình chào tour đã không được thực hiện. Dù là du khách nội địa ít tiền hơn khách quốc tế nhưng vẫn có phân khúc khách cao cấp, vậy nên việc hạ giá đi kèm cắt giảm các chương trình cần phải có cho điểm đến sẽ tạo ra ấn tượng chẳng mấy tốt đẹp về sau. Nói như một chuyên gia, khách hàng không trung thành với thương hiệu, họ chỉ trung thành với trải nghiệm của chính họ; vì thế nếu điểm đến không có gì thú vị và chất lượng dịch vụ tồi thì khách hàng sẽ truyền tai nhau và tránh xa.

Cơ hội lớn cho Việt Nam khi kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch đã có kịch bản để phục hồi trong trạng thái bình thường mới, nhưng mới gì cũng phải lấy chất lượng làm đầu.

ĐĂNG QUANG