Giữ lại cái số là… xong

THÁI MỸ 15/06/2020 04:27

Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ (NĐ) về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt”, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2020.

 Tại điểm a, khoản 4, Điều 30 NĐ này quy định phạt từ 400.000 đến 600.000 đồng đối với cá nhân là chủ xe mô tô, gắn máy và các loại tương tự; từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng đối với các tổ chức là chủ xe mô tô, gắn máy và các loại xe tương tự không làm thủ tục đăng ký sang tên của mình theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được thừa kế….  Xử lý hành vi này là nhằm đảm bảo tốt hơn việc quản lý trật tự xã hội. Thực tiễn đã chứng minh, việc sử dụng phương tiện không đúng tên người đăng ký (ngoài người thân trong gia đình) đã để lại quá nhiều phức tạp cho đời sống xã hội, nhất là việc truy tìm đối tượng sử dụng phương tiện không chính chủ hoạt động phạm tội, gây tai nạn giao thông lẩn trốn.

Mặc dù Chính phủ đã có nhiều quy định mức xử phạt song tình trạng không chịu sang tên đổi chủ vẫn cứ tồn tại dai dẳng. Có lẽ sự “ì ạch” này trước hết nằm ở ý thức người sử dụng, nhiều người nghĩ mình mua chiếc xe máy cũ kỹ, giá tiền chẳng bao nhiêu mà phải lọ mọ tìm tới ba cơ quan hành chính là phòng công chứng để chứng thực mua bán; tới cơ quan thuế kê khai để nộp thuế trước bạ rồi đến phòng cảnh sát giao thông để đăng ký. Việc đi lại nhiều lần làm cho họ mất thời gian, ảnh hưởng đến việc làm, đôi khi nhân viên thực thi công vụ lại tỏ vẻ lạnh lùng, thiếu thiện cảm thì họ càng chán nản mà bỏ mặc. Hành vi  không sang tên, đổi chủ không chỉ gây rối ren về quản lý xã hội mà còn làm thất thu ngân sách Nhà nước.

Còn nhớ trước đây Chính phủ đã giao cho các bộ có liên quan xây dựng kế hoạch để tổ chức bán đấu giá biển kiểm soát (biển số)  “đẹp” ô tô, xe máy, song có nhiều ý kiến trái chiều nên chưa thực hiện được. Có người cho rằng biển số xe được đấu giá có nghĩa là mua thì biển số đó phải thuộc quyền sở hữu của người mua nên khi bán xe họ có quyền giữ lại biển số.

Nói về quản lý xe chính chủ, có vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu ngắn gọn rằng khi bán xe chỉ cần giữ lại biển số thì đâu sẽ vào đó. Ngẫm nghĩ thấy các ý kiến này đều đúng nếu như có khung pháp lý quy định tổ chức, cá nhân chủ sở hữu xe máy chỉ bán, cho, tặng, thừa kế… xe chứ không được chuyển giao biển số.

Khi chuyển giao xe, đơn vị hoặc cá nhân giao có trách nhiệm tháo biển số mà tổ chức, cá nhân mình đứng tên đăng ký giữ lại. Nếu có nhu cầu mua xe khác, sau khi làm đầy đủ các thủ tục theo quy định thì mang biển số cũ và hồ sơ xe mới mua đến phòng cảnh sát giao thông hoặc công an quận, huyện làm thủ tục đăng ký. Các đơn vị có thẩm quyền chỉ cần kiểm tra, nếu đúng xe mới mua của đơn vị, cá nhân khác thì cấp giấy chứng nhận đăng ký mô tô, xe máy theo lý lịch của xe mới như số khung, số máy, màu sơn, xuất xứ… còn biển số thì vẫn giữ nguyên như chủ sở hữu cũ.

Đối với đơn vị, cá nhân mua xe mà bị giữ lại biển số cũng thực hiện trình tự như thế. Làm như vậy, một biển số xe sẽ mãi mãi chỉ gắn với tên một đơn vị hoặc một cá nhân mà thôi, giống như mỗi công dân chỉ mang một dãy số chứng minh nhân dân nhất định, nếu hư hỏng, mất mát làm lại giấy chứng minh nhân dân mới vẫn lấy nguyên lại số cũ.

Đối với những trường hợp mua xe mà không có biển số cũ để “ghép” vào thì đăng ký biển số mới. Nếu đơn vị, cá nhân nào tự tiện gắn biển số mà chưa được cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục điều chỉnh, đăng ký thì xử phạt theo pháp luật. Tuy việc gắn biển số vào xe khi chưa được điều chỉnh là hành vi bị nghiêm cấm, song chí ít việc quản lý Nhà nước về trật tự xã hội vẫn chặt chẽ hơn một chiếc mô tô đã mua bán sang tay hàng chục chủ nhân và không rõ ai là người sử dụng cuối cùng như tình trạng hiện nay, bởi tên, địa chỉ đơn vị, cá nhân đang tham gia giao thông trên phương tiện theo biển số đã được quản lý, rất thuận lợi cho việc truy tìm đối tượng sử dụng phương tiện khi cần thiết.

THÁI MỸ