Vòng quay kinh tế vỉa hè
Khi các quy định về giãn cách xã hội - “cách ly xã hội” để phòng chống dịch Covid-19 - được nới lỏng, không khí vỉa hè nhộn nhịp lên. Khu vực “kinh tế phi chính thức” này vận hành tạo ra sinh khí đời sống, tiếp tục đóng góp không nhỏ cho bức tranh phục hồi kinh tế.
Đây chính là lúc cần nhận thức lại vai trò của kinh tế vỉa hè ở các đô thị Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng.
Rõ ràng hè phố phản ánh thực trạng tình hình kinh tế, văn hóa xã hội của mỗi đô thị. Nơi đó hiện diện các hàng quán cố định và cả những gánh hàng rong. Đời nối tiếp đời, bao thế hệ đã được nuôi sống nhờ kinh tế vỉa hè. Như ở Quảng Nam, Tam Kỳ và Hội An xưa đã có những gánh hàng quà “cha truyền con nối”, những gánh chè, đậu hủ, xe bánh mì, hủ tiếu, gánh mỳ Phú Chiêm… có mặt trên các hè phố, góp phần giải quyết việc làm và thu nhập cho dân nghèo.
Theo ước tính của các chuyên gia, khu vực kinh tế phi chính thức tạo ra khoảng 30% GDP. Trong đó, kinh tế vỉa hè với số lao động phi chính thức ở khu vực thương mại chiếm 31% và dịch vụ chiếm 26%. Kinh tế phi chính thức góp phần giải quyết việc làm cho khoảng vài chục triệu lao động. Chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân ước tính nền kinh tế vỉa hè đang cung cấp đến 30% lượng việc làm và 40% nhu cầu ăn uống của người đô thị.
Một nhà nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) - Mỹ đã công bố kết quả chuyên khảo được thực hiện ở TP.Hồ Chí Minh trong 10 năm, kết luận rằng vỉa hè ở đây là không gian công cộng, nơi mà 40% diện tích dành để buôn bán; nếu được tổ chức bài bản, 12 triệu mét vuông vỉa hè sẽ đem về nguồn lợi không nhỏ cho thành phố và cả người dân.
Theo kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất, chỉ cần cho thuê 1/4 diện tích lề đường ở TP.Hồ Chí Minh với giá 150.000 đồng/tháng/m2, thì hàng tháng có thể thu về 450 tỷ đồng.
Ở Quảng Nam, chưa có nghiên cứu nào chỉ ra được những con số cụ thể như vậy, nhưng quan sát cũng có thể thấy hầu hết tuyến đường chính trong đô thị ở Hội An, Vĩnh Điện, Ái Nghĩa, Nam Phước, Hà Lam, Tam Kỳ, Núi Thành… mật độ buôn bán vỉa hè khá dày.
Qua thống kê số hộ sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, cho thấy ngay ở khu vực trung tâm thủ phủ Tam Kỳ là phường Tân Thạnh đã có 400 hộ, giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động, phần đông trong số đó gắn với kinh tế vỉa hè. Như thế có thể hình dung nếu không có dịch thì kinh tế vỉa hè đóng góp không nhỏ cho thu nhập người dân ở phường này.
Kinh tế vỉa hè, ngoài những hàng quán cố định, còn có những gánh hàng rong, số vốn tuy rất ít nhưng quay vòng rất nhanh. Một bài toán đơn giản của người bán hàng rong, chỉ cần 300 nghìn đồng đầu tư, ngày cũng kiếm lời được 100 nghìn đồng tiền lãi. Một năm chỉ cần 300 ngày quay vòng vốn như thế, nhân lên thu nhập của hàng triệu người thì con số rất lớn, lại góp phần đưa hàng hóa tiêu dùng đến mọi ngóc ngách rất nhanh chóng.
Hiện nay nhiều địa phương, kể cả Quảng Nam, đang tính toán các kịch bản phục hồi kinh tế. Những bài toán lớn đều nhắm vào các khu công nghiệp, nhà máy, doanh nghiệp, với các ngành then chốt trong công nghiệp, dịch vụ, du lịch… Tuy nhiên, kinh tế vỉa hè chỉ cần tháo lệnh “cách ly xã hội” đã có thể sống lại rất nhanh mà chưa cần bàn tay tác động nhiều của chính quyền. Do vậy, đây có thể xem là kinh nghiệm thú vị cho việc vận hành nền kinh tế đi qua khủng hoảng, đồng thời đặt ra vấn đề cần nghiên cứu về chính sách giải quyết việc làm, hỗ trợ tín dụng để cư dân đô thị kinh doanh buôn bán, nhất là những người dân nghèo đang sống nhờ kinh tế vỉa hè. Đó cũng là giải pháp an sinh xã hội, trong khi gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng không thể bù đắp nổi thu nhập và giải quyết việc làm.