Cần đồng hành, hỗ trợ hợp tác xã
Câu chuyện về hợp tác xã (HTX) gắn với ký ức một thời buồn làm ăn công điểm chờ tiếng kẻng gọi mùa, thi đua “mỗi người làm việc bằng hai, để cho chủ nhiệm mua đài sắm xe”.
Nhưng với Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, trong đó cốt lõi là phát triển HTX, mô hình kinh tế này đã có nhiều thay đổi và phát huy hiệu quả.
Loại hình HTX ở đây là HTX kiểu mới trong kinh tế tập thể “dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể, liên kết rộng rãi những người lao động, các hộ sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các thành phần kinh tế (...) ; phân phối theo lao động, theo vốn góp và mức độ tham gia dịch vụ; hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm”.
Ở thời bao cấp, nông dân dường như bị cưỡng bức vào HTX, nhưng với HTX kiểu mới thì khác vì phải “bảo đảm quyền tự chủ của kinh tế hộ, trang trại, hỗ trợ đắc lực cho kinh tế hộ, trang trại phát triển; gắn với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”. HTX kiểu mới phát triển ở trình độ cao thì hoạt động như doanh nghiệp.
Hiện nay nước ta có hơn 101 nghìn tổ hợp tác (THT), thu hút 1,34 triệu thành viên tham gia; gần 22,9 nghìn HTX, thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia. Bình quân hàng năm doanh thu đạt gần 4,5 tỷ đồng/HTX, và gần 410 triệu đồng/THT. Bên cạnh đó, có 74 liên hiệp HTX với 375 HTX thành viên tham gia. Riêng ở Quảng Nam, hiện có hơn 2.500 THT, 355 HTX, 1 liên hiệp HTX hoạt động trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải, y tế...
Đặc biệt trong nông nghiệp, cả nước có khoảng 1.200 HTX tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; nhiều HTX liên kết siêu thị, doanh nghiệp lớn để tăng năng lực cạnh tranh, tiêu thụ sản phẩm. Một số HTX đã mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Ở Quảng Nam, một số HTX bước đầu kết nối sản xuất và kinh doanh nông sản, nông dược, làm lúa giống, làm thực phẩm an toàn… cung cấp cho các siêu thị, nhà hàng.
Nhưng kinh tế HTX trong nước và Quảng Nam đều còn những hạn chế và trở lực. Phần lớn HTX quy mô nhỏ, năng lực nội tại về tài chính và nhân lực còn yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu, tỷ lệ đóng góp vào GDP còn thấp… Nguyên nhân chủ yếu của hạn chế trên là do xây dựng cơ chế, chính sách chưa kịp thời, chậm tháo gỡ các vướng mắc và bản thân nhiều HTX còn ngại đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh.
Trước thực tế đó, Bộ Chính trị mới đây đã có Kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX), đẩy mạnh đổi mới kinh tế tập thể nói chung, HTX nói riêng. Về mặt nhà nước, Chính phủ đã đề ra “3 đồng hành”, gồm: đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện thể chế pháp luật về xuất nhập khẩu, thuế, đất đai, xây dựng, tín dụng, đầu tư,… công khai minh bạch, giảm chi phí, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; xây dựng cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến khu vực kinh tế tập thể. Nhà nước cũng thực hiện “5 hỗ trợ”, gồm: hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động; hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh, tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh; xây dựng thương hiệu; đào tạo nhân lực.
Mô hình HTX không phải là sản phẩm của riêng Việt Nam. Ngay ở nước phát triển như Hà Lan hiện vẫn có 2.500 HTX hoạt động, đóng góp tới 18% GDP; trong đó HTX nông nghiệp chiếm 68%, thu nhập bình quân của nông dân 600 nghìn euro/năm. Do vậy, đừng nghĩ như một số ý kiến cho rằng việc phát triển HTX là bảo thủ về đường lối kinh tế, mà cần phải đổi mới, nâng cao chất lượng loại hình kinh tế này.