Giàu nghèo đều cần... tiền
Câu chuyện dư luận đang quan tâm chờ đợi được thực thi là gói hỗ trợ an sinh 62 nghìn tỷ đồng của Chính phủ. Nhưng cần biết đây không phải là miếng bánh mà ai cũng có phần, gói hỗ trợ này chỉ nhắm đến các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 để góp phần đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội mà thôi.
Vậy ai sẽ được hưởng? Theo Bộ LĐ-TB&XH, khoảng 20 triệu người thuộc 7 nhóm sẽ được thụ hưởng gói hỗ trợ nói trên. Đó là những người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; hộ nghèo, hộ cận nghèo; người lao động theo chế độ hợp đồng phải tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp; người lao động tự do, không có giao kết hợp đồng; người sử dụng lao động khó khăn về tài chính được vay 50% tiền lương tối thiểu vùng để trả lương cho người lao động; hộ kinh doanh cá thể thu nhập dưới 100 triệu đồng bị ngừng kinh doanh.
Đáng lưu ý, nhóm người có đời sống bấp bênh là lao động tự do được xem xét hỗ trợ, nhưng cũng chỉ gồm một số nghề dễ thấy là những người bán hàng rong, quà vặt; lao động thu gom rác; người làm nghề bốc vác xe đẩy; lái xe máy 2 bánh chở khách (xe ôm), xe xích lô; người bán vé số lưu động (không bao gồm các đại lý). Thực tế số lao động tự do còn nhiều loại hình khác (như lao động tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe…) cũng bị tổn thương, mất hẳn thu nhập vì thị trường đình đốn. Song, Chính phủ hiện không đủ tài chính để hỗ trợ tất cả, còn phải kêu gọi xã hội hóa, chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh cơ ngặt, tránh để “bần cùng sinh đạo tặc”. Hơn lúc nào hết người nghèo bây giờ cần tiền để cầm cự với đại dịch. Những cây “ATM gạo” cũng rất quan trọng để chống đói cấp kỳ cho dân nghèo thành thị là “thợ đụng” - đụng chi làm nấy, vốn ăn bữa nay lo bữa mai.
Ở tầm nhìn vĩ mô, cứu trợ chỉ là vấn đề an sinh trong tình huống cấp thiết. Muốn giải quyết căn bản an sinh xã hội, đôi khi không chỉ nhắm vào người nghèo mà còn cần hỗ trợ cho… doanh nghiệp vốn giàu nhưng nay gặp bất trắc. Bởi nếu hầu hết doanh nghiệp phải ngừng sản xuất kinh doanh thì ảnh hưởng vô kể, trước hết là nạn thất nghiệp. Những hãng lớn có hàng vạn lao động, các công ty xí nghiệp đông công nhân, nếu ngừng sản xuất thì ông chủ không có lợi nhuận đã đành mà lương cho người lao động cũng cắt giảm luôn. Không nói đâu xa, ngay như Quảng Nam, những doanh nghiệp lớn như Thaco Trường Hải, Panko Tam Thăng, Rieker Điện Nam - Điện Ngọc… giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động, nếu bị ngưng trệ sản xuất sẽ tạo ngay cú sốc lớn. Do vậy, việc hỗ trợ để các doanh nghiệp này trụ vững, phát triển được sản xuất, không chỉ đóng góp tăng trưởng ngân sách mà quan trọng hơn là đảm bảo đời sống cho hàng vạn con người liên quan. Các ông chủ doanh nghiệp cần tiền để duy trì sản xuất, nuôi lao động chống chọi trong đại dịch.
Những chỉ trích giới chủ doanh nghiệp cần phải thận trọng, nhất là khi họ đề xuất Nhà nước hỗ trợ. Không phải “người giàu cũng khóc” để kêu đòi, mà cần nghĩ đến việc họ làm cho kinh tế đời sống phát triển. Giải quyết việc làm và thu nhập cho số đông lao động chính là bài toán đảm bảo an sinh xã hội bền vững. Do vậy, cần đôn đốc thực thi Nghị định số 41/2020 của Chính phủ (ban hành ngày 8.4 vừa rồi, có giá trị thi hành ngay) về gia hạn thời gian nộp các loại thuế và tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng dịch Covid-19, tổng trị giá 180.000 tỷ đồng. Đây là biện pháp góp phần cho doanh nghiệp trụ lại trong bối cảnh đầy khó khăn. Cần hiểu, doanh nghiệp “sống sót” thì mới thực hiện được kịch bản phục hồi kinh tế sau đại dịch.