Hỗ trợ lao động thất nghiệp
Bài toán đặt ra rất cấp thiết là giải quyết hỗ trợ, trợ cấp cho lao động thất nghiệp vì dịch Covid-19.
Theo báo cáo của ngành chức năng trong quý I.2020, số người được chi trả chế độ trợ cấp thất nghiệp của cả nước ước tính 378.178 người, tăng khoảng 9,11% so với cùng kỳ năm 2019 (346.582 người) với số tiền được chi trả ước tính 2.119 tỷ đồng; số người được chi trả hỗ trợ học nghề ước tính 8.160 người, tăng khoảng 10,1% so với cùng kỳ năm 2019 (7.409 người) với số tiền chi trả ước tính 18 tỷ đồng.
Chắc chắn con số này sẽ không dừng lại đó, khi chúng ta đang bước vào giai đoạn quyết liệt phòng chống dịch. Lượng lao động thất nghiệp hoặc bị ngưng việc sẽ tăng tốc khi rất nhiều doanh nghiệp và các loại hình dịch vụ kinh doanh đóng cửa.
Tỉnh thành nào có quy mô sản xuất lớn, lực lượng lao động đông đảo đều phải chịu áp lực căng thẳng về giải quyết chế độ, hỗ trợ, trợ cấp cho người mất việc. Như thống kê nhanh, tại TP.Hồ Chí Minh đã có hàng chục nghìn hồ sơ nộp để xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thất nghiệp. Thành phố này cũng đã sớm đưa ra gói hỗ trợ đến 1.800 tỷ đồng cho 600 nghìn lao động bị mất việc. Bình Dương, số nộp hồ sơ thất nghiệp tăng hơn 70% so cùng kỳ năm trước.
Cận kề Quảng Nam là Đà Nẵng, số lao động bị thất nghiệp nộp hồ sơ hưởng trợ cấp khoảng 5 nghìn người, ngành chức năng đã giải quyết được khoảng 50%. Chưa rõ số lượng nộp hồ sơ tại Quảng Nam, nhưng điều tra ban đầu tính đến 15.3 đã có 7 doanh nghiệp ngừng hoạt động, kéo theo hơn 4,5 nghìn lao động ngưng việc; 28 doanh nghiệp khác cắt giảm khoảng 3 nghìn lao động, còn những người chưa ngưng việc thì phải giãn ca, giảm giờ làm.
Tỷ lệ thất nghiệp của toàn tỉnh trong quý I.2020 là 3,84% (có lẽ phải rà soát lại con số này xem tính toán hết chưa, vì hầu khắp dịch vụ giáo dục, du lịch, nhà hàng, khách sạn… đóng cửa; đó là chưa kể số lao động hợp đồng ngắn hạn, lao động thời vụ đã phải nghỉ việc khá nhiều).
Báo cáo của Cục Thống kê Quảng Nam cho biết quý I đã có 238 doanh nghiệp gửi thông báo tạm ngừng hoạt động. Một số ngành thiếu nguyên liệu đầu vào để ổn định sản xuất nên đã cắt giảm một phần lao động hoặc chỉ sử dụng luân phiên làm việc các ngày trong tháng, do đó chỉ số sử dụng lao động chung toàn ngành giảm. Cụ thể: ngành may mặc chỉ bằng 91%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy: 95,8%; sản xuất xe có động cơ: 91,7% so với cùng kỳ năm trước. Lao động khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 5,6%.
Lao động là một thành tố quan trọng để duy trì hoạt động doanh nghiệp (nhất là với các loại hình thâm dụng lao động như may mặc, du lịch, dịch vụ kinh doanh ăn uống, hiện diện khá đông ở Quảng Nam). Do vậy, trong thời điểm khó khăn vì dịch bệnh, nhà máy ngưng sản xuất vì thiếu nguyên liệu, công nhân, người lao động cũng phải sống “cầm hơi”, chia sẻ với khó khăn chung của nền kinh tế. Tuy nhiên ở góc độ quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp, việc chăm lo cho người lao động chính là biện pháp để nuôi dưỡng cơ hội phục hồi sản xuất sau dịch, đồng thời trợ cấp hay giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp kịp thời cũng là đảm bảo an sinh xã hội.
Cuối cùng là chuyện trách nhiệm giải quyết vấn đề thất nghiệp. Đã có hàng loạt hướng dẫn của các ngành chức năng và tư vấn của các luật sư, người lao động phải tự nắm bắt các thủ tục hồ sơ để được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Các dạng trợ cấp xã hội thì chờ đợi ngành LĐ-TB&XH rà soát, rồi tùy thuộc vào khả năng ngân sách mà chính quyền có động thái phù hợp. Ngoài sự chăm lo của giới chủ doanh nghiệp, hẳn người lao động còn mong các tổ chức đoàn thể, như công đoàn có những hành động thiết thực để hỗ trợ kịp thời.