An ninh lương thực, nhìn từ đất lúa
Chính phủ vừa tổ chức hội nghị “Tổng kết 10 năm thực hiện đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”, qua đó xới lên nhiều câu chuyện cần quan tâm ở tầm quốc gia và cả các địa phương trong nước.
Không ai phủ nhận được thành tựu to lớn của nông nghiệp, khi đưa Việt Nam từ một nước phải ăn bo bo, ăn độn, thiếu đói trầm trọng tiến đến xuất khẩu lúa gạo đứng hàng đầu thế giới. Trong khi sản lượng lúa gạo năm 2019 đã đạt tới 43,4 triệu tấn, bảo đảm bình quân lương thực đầu người hơn 525kg/năm, Việt Nam còn xuất khẩu gạo đến được 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt 6,14 triệu tấn, thu về hơn 3 tỷ USD; nước ta cũng có nhiều loại gạo thuộc hàng ngon nhất thế giới. Tuy nhiên, đúng như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế khiến cho an ninh lương thực của Việt Nam chỉ xếp 57/113 quốc gia. Đặc biệt biến đổi khí hậu, thiên tai mà nhãn tiền là hiện tượng hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, khiến nhiều diện tích trồng cây lương thực bị hư hại, ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Vì thế, Thủ tướng đã nhấn mạnh yêu cầu “phải bảo đảm an ninh lương thực một cách vững chắc trong mọi tình huống”.
Ở Quảng Nam, không đặt ra tham vọng cho việc xuất khẩu lúa gạo bởi quy mô đất ruộng nhỏ hẹp, hiện chỉ một số vùng làm lúa giống hàng hóa. Cũng không quá lo thiếu hụt lương thực vì nhờ thị trường lưu thông điều tiết, bởi hầu khắp các vùng trong tỉnh đều có chợ hay siêu thị, đại lý, mua loại gạo ngon nào cũng có. Nhưng an ninh lương thực tại chỗ vẫn là vấn đề không thể xem nhẹ vì phải phòng ngừa tình huống xấu xảy ra khi gặp thiên tai, dịch hại. Nên nhớ địa hình Quảng Nam thường bị chia cắt cục bộ nếu gặp mưa to lụt lớn khiến việc tiếp ứng lương thực khó khăn. Trong khi hồ đập thủy điện ngăn nước, nắng hạn kéo dài, mặn cũng đã xâm nhập sâu vào vùng cửa sông ven biển, ảnh hưởng trầm trọng đến nguồn nước tưới. Đặc biệt, tình trạng bỏ ruộng và suy giảm thâm canh đang diễn tiến cùng hành trình chuyển dịch lao động từ nông nghiệp qua phi nông nghiệp. Đọc báo cáo thống kê năm rồi thì rõ, toàn tỉnh có 84.860ha trồng lúa hai vụ, thu hoạch được 451.300 tấn, giảm 11.200 tấn so với năm 2018. Năm 2020 này, diện tích trồng lúa tiếp tục giảm, chỉ còn khoảng 80.500ha (vụ đông xuân 42.500ha, hè thu dự kiến 38.000ha) do nhiều vùng thiếu nước tưới, diện tích suy giảm thâm canh không dưới 1.000ha.
Chuyện giữ đất lúa như thế nào cần phải đặt ra để đảm bảo an ninh lương thực. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải “chốt cứng” diện tích trồng lúa cả nước khoảng 3,8 triệu héc ta, còn Quảng Nam sẽ là bao nhiêu - 8 vạn hay 8,4 vạn héc ta? Đặt ra câu hỏi đó để các ngành chức năng của tỉnh phải rà soát và đề xuất giữ bao nhiêu diện tích lúa là đủ để chủ động ổn định an ninh lương thực tại chỗ, đồng thời cần chuyển đổi, trồng loại cây gì cho giá trị kinh tế cao hơn cây lúa trên diện tích khó khăn về nước tưới. Ngoài ra, việc giữ “bờ xôi ruộng mật” để trồng lúa trong xu thế đô thị hóa, công nghiệp hóa mạnh mẽ cũng đặt ra những thách thức, vì chính nông dân bỏ hoang ruộng đồng (do quá ít lợi nhuận và thiếu nhân công hoặc chờ có dự án bồi thường), hay lối canh tác “vãi chài vãi đại” làm suy giảm thâm canh.
Đảm bảo lương thực luôn là vấn đề hết sức hệ trọng đối với mọi quốc gia, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, bất ổn chính trị, an ninh phi truyền thống, dịch bệnh xảy ra trên thế giới (trong dịch Covid-19 người ta lo tích trữ lương thực là ví dụ). Cho nên an ninh lương thực không chỉ là vấn đề trước mắt mà còn là vấn đề chiến lược lâu dài, do đó phải giữ được một diện tích trồng lúa nhất định đủ đảm bảo sản lượng và dự trữ cần thiết, từ đó mà đảm bảo an sinh xã hội.