“Đừng làm phiền quốc gia khác vì bạn”
Câu sologan nói trên được truyền tụng là của người Hàn Quốc, phát ra khi dịch Covid-19 lan nhanh. Giờ thì ta có thể dùng câu ấy để áp dụng vào từng hoàn cảnh cụ thể, chẳng hạn đừng làm đất nước lao đao mất ngủ như N.H.Nh. mang vi rút từ nước ngoài về, đừng gieo rắc nỗi sợ hãi làm rối thị trường vì hoảng loạn mua đồ dự trữ… Tất cả không chỉ phiền não mà còn gây nỗi đau khổ, bởi chỉ một trường hợp bệnh nhân thứ 17 đã làm lây nhiễm thêm 3 trường hợp (hoặc có thể hơn nữa) và khiến hàng trăm người phải cách ly.
Mấy ngày đi qua, từ Hà Nội đến Đà Nẵng, Hội An, việc truy tìm danh tính và hành trình của những người tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 mới khá nhức đầu, và lại phải theo dõi, giám sát, cách ly, rất phức tạp khi có cả những khách nước ngoài. Một câu hỏi được đặt ra xoáy vào tâm can là tại sao khâu kiểm soát từ nhập cảnh còn có lỗ hổng đáng sợ vậy? Xin nói ngay là đã có quy định về khai báo y tế, nghiêm ngặt nhất là những người trở về từ vùng dịch. Tuy nhiên, dẫu có khai báo nhưng có trung thực hay không thì người khai và cơ quan nhận tờ khai mới biết, chứ phần lớn đám đông còn lại thì mù tịt. Cho nên có hiện tượng đoán mò trên mạng xã hội lúc ban đầu cũng như thầy bói mù xem voi, rối tinh lên. Tâm lý hoang mang cũng lây lan theo hiệu ứng đám đông khiến người ta nháo nhào chạy đi mua hàng dự trữ. Một lời khuyên ngay vùng cách ly và cả ngoại vi, nếu không làm gì tốt hơn cho cộng đồng, cho đất nước thì làm ơn hãy ngồi yên!
Trở lại với câu hỏi về khai báo y tế, trường hợp gian dối để che giấu bệnh truyền nhiễm như Covid-19 (nhóm A) có phạt được không? Có đấy, theo Nghị định số 176/2013/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, hành vi che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh thuộc nhóm này bị phạt từ tiền 500.000 - 1 triệu đồng. Điều 10 của nghị định này cũng có quy định: hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị phạt từ 2 - 5 triệu đồng. Hành vi vi phạm nặng hơn đối với người làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người khác có thể áp dụng theo Điều 240 bộ luật Hình sự, quy định mức phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc phạt tù tối đa 12 năm.
Như vậy, theo nhiều chuyên gia luật, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay và có thể là những dịch bệnh khác trong tương lai, việc kêu gọi ý thức công dân, ý thức cộng đồng trong khai báo bệnh hay tự cách ly ngừa dịch là cần nhưng chưa đủ mà phải xử phạt nặng để răn đe. Có thế mới không để tái diễn trường hợp về từ vùng dịch mà khai báo gian dối, hoặc không khai, lại còn đi lung tung, đăng hình ảnh đùa cợt dư luận.
Quyền tự do đi lại là quyền cơ bản của con người. Trong thời hội nhập, có sự xuất hiện của công dân toàn cầu (global citizen) thường di chuyển khắp thế giới. Họ làm việc và sống theo nguyên tắc nuôi dưỡng sự tự trọng bản thân mình và tôn trọng người khác, hiểu rõ sự phụ thuộc lẫn nhau trên toàn cầu, nhất là các vấn đề về an ninh. Khi thách thức an ninh phi truyền thống như dịch bệnh xuất hiện, tất cả quốc gia đều có biện pháp phòng vệ, thì dù là công dân toàn cầu cũng phải tuân thủ. Đó là nói ở tầm cao nhân cách, chứ không kể những thiếu gia công tử, thiếu nữ con nhà có tiền đi chơi tới các nước phát triển mà cũng chẳng hiểu biết gì về văn hóa ứng xử văn minh, mang theo vi rút ích kỷ và sự khôn lõi để gieo rắc nỗi đau khổ cho cộng đồng.