Trong cái khó, ló cái hay
Trên YouTube đã xuất hiện những video khá ấn tượng về bánh mì thanh long, lôi cuốn từ hàng chục đến hàng trăm nghìn lượt người xem.
Người ta quan tâm nhiều đến việc chế biến trái thanh long vì đó là mặt hàng nông sản chủ lực bị ùn ứ xuất khẩu do dịch bệnh Covid-19.
Chúng ta cũng biết thanh long hiện được trồng ở 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung nhiều ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên Việt Nam đứng đầu khu vực với gần 49.000ha, cho sản lượng hơn 1 triệu tấn trái. Trái thanh long Việt Nam đã hiện diện trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm 80%; kim ngạch xuất khẩu từng đạt hơn 1,1 tỷ USD/năm.
Công thức chế biến thanh long thành một số loại bánh do “vua bánh mì” Kao Siêu Lực - Tổng Giám đốc Công ty Bánh kẹo Á châu (Asia Bakery Confectionery-ABC) sáng tạo nên. Vắn tắt thế này, thanh long sẽ được xay nhuyễn để thay thế cho 60% lượng nước, cứ 5kg bột thì dùng khoảng 1,4kg thanh long; thêm sữa, bột, đường, men vào nhồi 6 phút chậm, 2 phút nhanh, ủ bột trong vòng 3 tiếng đồng hồ rồi tạo hình và mang nướng ra bánh mì. Hiện tại, ABC đã làm được 4 loại bánh từ thanh long là bánh mì thanh long khoai môn, bánh thanh long phô mai, bánh kem thanh long và bánh mì baguette thanh long. Giá bán mỗi chiếc bánh mì thanh long loại baguette chỉ 6 nghìn đồng. Theo tính toán của ông Kao Siêu Lực, hiện tại mỗi ngày ABC chỉ có thể sử dụng 200kg thanh long để làm bánh, cho nên muốn “giải cứu” được mặt hàng nông sản nay cần sự chung tay vào cuộc của nhiều cơ sở sản xuất bánh, ông sẵn sàng chia sẻ công thức làm bánh để giúp bà con nông dân tiêu thụ nguyên liệu.
Được biết, ngoài thanh long, ông Kao Siêu Lực còn sáng tạo ra nhiều loại bánh khác sử dụng nguyên liệu là các nông sản Việt, như sầu riêng, bơ, khoai môn, củ dền... Cảm hứng từ trái thanh long, ABC đã phát triển thêm một số loại bánh sử dụng nguyên liệu trái cây như bánh crepe nhân sầu riêng, bông lan bơ, bánh crepe nhân bơ/nhân môn và cả bánh kem bơ, bánh kem sầu riêng. Cũng nên biết Công ty ABC hiện có 400 loại bánh cung cấp cho 98% thị phần thức ăn nhanh, là đối tác của nhiều thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng, và đã xuất khẩu bánh ra nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.
Như vậy, trong cái khó ló cái hay, việc chế biến bánh mì và các loại bánh khác từ thanh long, có ý nghĩa rất lớn gợi nên cảm hứng về chuyện giải quyết đầu ra cho nông sản bằng giải pháp căn cơ chứ không chỉ là nhờ giải cứu tình thế. Một mình ông Kao Siêu Lực chưa thể tạo chuyển biến mạnh nhưng nếu cả cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân vào cuộc sẽ khác. Chúng ta cũng dễ dàng tìm thấy thông tin về sản phẩm trà búp thanh long Đức Thuận, do Mã Phú Cường - Trần Lê Mỹ Quỳnh - Trương Hoàng Phúc sáng tạo và đã đạt Giải thưởng tài năng Lương Văn Can (năm 2018); nhóm cũng nhận được sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư muốn đưa đề án vào thực tế. Tất nhiên, không chỉ thanh long mà nhiều loại trái cây, nông sản khác cũng có thể chế biến thành sản phẩm hàng hóa, chắc chắn đem lại giá trị gia tăng hơn là bán tươi, bán thô trong thế bấp bênh về thị trường đầu ra.
Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã và đang thực thi các dự án chế biến nông sản có thể được truyền thêm cảm hứng từ cách làm của ông Kao Siêu Lực. Rõ ràng nếu không thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, vào sản xuất và chế biến, kinh doanh nông sản, thì các địa phương mãi lẩn quẩn trong câu hỏi nuôi con gì, trồng cây gì cho hiệu quả. Do vậy, đi cùng sự đồng cảm, chia sẻ của doanh nhân với hoàn cảnh cam khó của người nông dân, rất cần sự năng động của chính quyền trong cơ chế chính sách thu hút đầu tư để giải quyết thị trường nông sản, để không phải liên miên kêu gọi “giải cứu” tình thế cấp thời.