Tìm lối ra cho quả X, con Y…

ĐĂNG QUANG 10/02/2020 11:44

Tìm lối ra… nghe rất quen khi có chuyện nông sản cần “giải cứu”. Đặc biệt khi nạn dịch viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) gây ra còn diễn biến phức tạp, Trung Quốc kéo dài thêm thời hạn đóng cửa các chợ biên giới thì việc xuất khẩu nông sản càng khó.

Xuất tiểu ngạch khó, qua chính ngạch càng khó. Bộ NN&PTNT cho hay các nội dung thương thảo giữa hai bên (Việt – Trung) đã tạm dừng, nên sản phẩm sầu riêng, khoai lang, yến, chuẩn bị ký nghị định thư để được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nhưng hiện giờ chưa biết thế nào. Cũng theo nhận định của ngành nông nghiệp, các ngành hàng thủy sản, gỗ, rau quả và gạo sẽ bị ảnh hưởng lớn từ các diễn biến phức tạp của dịch nCoV từ Trung Quốc. Như vậy, các tỉnh thành trong nước lâu nay xuất khẩu các ngành hàng này sẽ bị ảnh hưởng. Nặng nhất là vùng trồng thanh long, dự kiến từ nay đến 28.2, Long An thu hoạch khoảng 54.000 tấn, tiếp tới đầu tháng 3 Tiền Giang thu hoạch khoảng 10.000 tấn, Bình Thuận khoảng 100.000 tấn thanh long... “Gót chân Asin” của xuất khẩu nông sản chính là rau quả, lõi là thanh long, có thể tới đây là dưa hấu, do chủ yếu xuất hàng tươi và phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Hàng tươi mà tới cửa biên giới bị ách lại lâu thì phải đổ bỏ, như dưa Kỳ Lý của Quảng Nam từng gặp. Các ngành hàng mà Quảng Nam có xuất khẩu như thủy sản và dăm gỗ, hẳn cũng sẽ bị ảnh hưởng khi nạn dịch kéo dài.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khuyến cáo việc ứng phó với dịch nCoV cần có sự đồng hành, quyết tâm của khu vực nhà nước, Chính phủ, doanh nghiệp, người dân. Các tỉnh, hiệp hội, cơ sở sản xuất cần rà soát các ngành hàng, củng cố kho đông lạnh dự trữ, và chuyển qua chế biến, tiêu thụ dần. Nông dân dừng kích thích ra hoa trái vụ thanh long, hạn chế diện tích trồng dưa hấu và chuyển đổi qua cây trồng khác… Rõ ràng đó cũng chỉ là những giải pháp tình thế cấp thời cho từng loại nông sản, việc tìm đầu ra cho nông sản nói chung vẫn là bài toán lớn về lâu dài của nông nghiệp. Bài toán đó cần được giải quyết tổng thể căn cơ chứ không thể chỉ quả X, con Y, mà phải xác định cây con chủ lực trong chiến lược để đạt mục tiêu đến 2030 “phấn đấu đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới về chế biến rau củ quả, thủy hải sản, gỗ” và “nông nghiệp Việt Nam sẽ đứng trong top 15 nước phát triển trên thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng trong top 10 nước hàng đầu”. 

Chuyện vĩ mô ấy chưa thể bàn rốt ráo lúc này, nhưng đời sống thì không thể chờ được. Rất may là từ khó khăn, nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất đã bắt đầu thức nhận phải thay đổi bằng cách cơ cấu lại ngành hàng, tăng chế biến sâu và mở rộng thị trường để tìm cơ hội. Như khi xuất khẩu dăm gỗ giảm sẽ bổ sung nguồn nguyên liệu gỗ trong nước để sản xuất ván nhân tạo, MDF, tạo ra giá trị gia tăng cao. Nhiều doanh nghiệp của ngành gỗ đã chuyển hướng, từ làm dăm xuất khẩu chuyển sang mua thiết bị sản xuất gỗ ván ép, gỗ nhiên liệu. Ngành thủy sản và rau quả thì giảm hàng tươi đi, chuyển qua làm đồ hộp, đông lạnh. Đối với mặt hàng gạo, nhiều doanh nghiệp đã mở rộng ra nhiều thị trường khác nhau nên giá trị nhập khẩu của thị trường Trung Quốc cũng không còn quá chi phối ngành hàng gạo nữa. Nông sản giá trị khác như sầu riêng, đã có nhà sản xuất đưa ra ý tưởng tạo dòng sản phẩm mới là bánh cao cấp, hay các loại trái cây khác đã có doanh nghiệp mở rộng áp dụng công nghệ làm sản phẩm sấy khô, nước ép, đồ uống…

Dù muốn hay không thì phải quản lý rủi ro khi gặp nạn dịch, thiên tai địch họa. Tìm đầu ra hữu hiệu cho quả X, con Y nào đó cũng cần, nhưng cần hơn là chiến lược phát triển sản phẩm và thị trường nông sản chủ lực nói chung, tức là tìm lối đi bền vững cho nông nghiệp.

ĐĂNG QUANG