Dịch, cơ cấu lại du lịch
Bệnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra đã tràn từ Trung Quốc sang gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hơn 300 trường hợp đã tử vong, hàng chục ngàn người nghi nhiễm đang nhập viện, hàng triệu người nằm trong vùng bị phong tỏa.
Riêng Việt Nam, đến ngày 2.2 đã có 7 ca nhiễm được cách ly điều trị, việc đi lại vùng xuất hiện bệnh nhân đã được khuyến cáo hạn chế.
“Sống trong sợ hãi” nên tất nhiên nhiều ngành kinh doanh dịch vụ bị đình trệ, trong đó có du lịch. Nhiều tour/tuyến bị hủy bỏ. Thủ tục xuất nhập cảnh khó hơn vì phải qua khâu kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt. Tàu xe và các phương tiện chuyên chở khách du lịch được đặt để trong tình trạng phòng ngừa cao độ. Nháo nhào mua khẩu trang, thuốc tẩy trùng, nước rửa tay… rồi đường phố bỗng dưng đầy người im lặng cắm cúi bước đi, ít nói ít chào.
Thêm đủ thứ ào ào phát tán qua mạng xã hội. Cách phòng dịch, các bài thuốc gia truyền liên miên cập nhật, thật giả tin đồn chỗ này chỗ khác người nhiễm bệnh đi lại lung tung không ai biết. Trường hợp ca nghi nhiễm của một du học sinh ở Tiên Phước trở về từ Trung Quốc, dù may là xét nghiệm âm tính nhưng là điều đáng chú ý để khuyến cáo việc chủ động tự khai báo sớm tại cơ sở y tế...
Trước những ồn ào thế, còn lối nào cho du lịch phát triển?
Chính phủ đã hiệu triệu các cấp, ngành, người dân khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống nhưng đừng hoảng loạn. Giữ bình tĩnh trong lúc “nước sôi lửa bỏng” là khó nhưng là điều cần phải có để tính toán các bước đi hợp lý. Đặt mức cảnh báo cao hơn cả WHO song việc cân nhắc các lợi ích kinh tế và sự ổn định của xã hội là cần thiết. Nhất thiết không nên vội vàng đóng cửa mọi giao thương bình thường đã được áp dụng các biện pháp kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh. Và đặc biệt, cần phát huy kinh nghiệm trong các đợt phòng chống dịch trước đây để có phương án ứng phó tùy theo diễn biến và cấp độ. Kinh nghiệm phòng chống dịch SARS vào năm 2003 cho thấy nếu cả cộng đồng vào cuộc kịp thời, phối hợp tốt và chia sẻ thông tin y tế quốc tế, chủ động cách ly những ca nghi nhiễm, tích cực hỗ trợ đầy đủ phương tiện y tế và có đội ngũ y bác sĩ sẵn sàng cống hiến sức lực nghiên cứu phác đồ phòng chống và điều trị thì sẽ sớm ngăn chặn lây lan, đẩy lùi chuỗi bệnh dịch (khi đó Việt Nam là quốc gia đầu tiên khống chế dịch SARS thành công).
Năm qua Việt Nam đã đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế (Quảng Nam đón khoảng 7,7 triệu lượt khách quốc tế và nội địa). Tăng trưởng khá nên mục tiêu đặt ra cho năm 2020 là rất cao (cả nước dự kiến kế hoạch đón hơn 20 triệu lượt khách quốc tế; Quảng Nam phấn đấu đạt 8,1 triệu lượt khách). Tuy nhiên bây giờ có lẽ phải cân nhắc, không cứ phải phấn đấu đón cho nhiều, cho đông mà cần dòng khách chất lượng, chi tiêu cao, đến từ vùng an toàn. Du lịch không phân biệt quốc tịch du khách nhưng với dòng khách Trung Quốc chi tiêu thấp tràn qua rất đông từ Quảng Ninh đến Đà Nẵng, Cù Lao Chàm (Hội An), Nha Trang (Khánh Hòa)… cần tính toán cơ cấu số lượng hợp lý.
Trong kỳ đại dịch, làm sao quảng bá được hình ảnh du lịch thân thiện, an toàn? Hình ảnh rất nhiều cơ sở ở Đà Nẵng và Hội An tặng khẩu trang cho du khách là việc đáng biểu dương. Ngành du lịch cần cơ cấu lại các thành tố quan trọng như sắp xếp và định hướng khai thác thị trường mới. Việc quản lý thông tin cũng là điểm phải chú ý hàng đầu đối với các cơ sở du lịch, vì nếu để tin đồn, tin giả xảy ra sẽ gây náo loạn, mất trật tự trị an. Đồng thời nên nhân cơ hội này xúc tiến việc trang bị các phương tiện y tế tốt ở các điểm đến, trang bị các điều kiện bảo hộ y tế với các điểm đến có đông du khách, hỗ trợ du khách không may rơi vào diện nghi nhiễm. Đó là việc trong nguy có cơ, tìm cách thích ứng với thời đại dịch lan tràn.