Chuyển đổi số và kinh tế số
Thực tế còn không ít người nhầm lẫn giữa chuyển đổi số và số hóa. Theo một số chuyên gia giải thích, số hóa là việc biến đổi các giá trị thực sang dạng số, còn chuyển đổi số là khi có dữ liệu được số hóa rồi thì sử dụng các công nghệ như AI (trí tuệ nhân tạo), Big Data (dữ liệu lớn),... để phân tích dữ liệu, biến đổi nó và tạo ra một giá trị khác. Như vậy, chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới.
Ngày nay đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như Big Data, internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (cloud)... thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty. Đó cũng là quá trình chuyển đổi số để phát triển kinh tế số.
Kinh tế số là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số” (Oxford), đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua internet. Kinh tế số bao gồm tất cả lĩnh vực (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng, …) mà công nghệ số được áp dụng.
Nhờ kinh tế số mà hiệu suất kinh tế đạt được nhiều thành quả cao, các ngành công nghiệp có bước chuyển biến đột phá trong mô hình kinh doanh, từ thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội (Facebook, instagram), giải trí (Netflix, Pinterest), giao thông vận tải (Uber, Grab) đến phân phối, bán buôn và bán lẻ (Lazada, Shoppe)... Rõ ràng nhờ sự kết nối giữa các chủ thể và chu trình kinh tế trên nền tảng công nghệ thông tin và internet đã giúp tận dụng các nguồn lực, lược bỏ nhiều khâu trung gian và tăng cơ hội tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu.
Việt Nam đang đứng ở đâu trong quá trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số? Theo Trung tâm Kinh doanh toàn cầu của Đại học Tufts (Mỹ), Việt Nam đứng ở vị trí 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi kinh tế số nhanh trên thế giới, đồng thời đứng ở vị trí 22 về tốc độ phát triển số hóa. Quá trình chuyển đổi số đã bắt đầu từ những ngành như tài chính, giao thông, du lịch... Chính phủ và chính quyền các cấp đang nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; hơn 30 thành phố cũng định hướng xây dựng thành phố thông minh với các nền tảng công nghệ mới... Theo nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore) cho biết, kinh tế số của Việt Nam đạt khoảng 3 tỷ USD năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Tổ chức Data 61 (Australia) cho rằng, GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm nếu chuyển đổi số thành công.
Nghe thoáng qua những con số trên hẳn dễ “lạc quan tếu”, bởi thực tế quá trình chuyển đổi số quốc gia của ta còn chậm do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế; nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp. Kinh tế số có quy mô còn nhỏ. Trong kinh tế số, dữ liệu được xem là “nhiên liệu” của nền kinh tế, nhưng Việt Nam còn ở giai đoạn đầu, các kết nối dữ liệu giữa bộ, ngành chưa liên thông. Còn ở các địa phương, ngay ở cấp độ thấp là số hóa dữ liệu cũng mới bắt đầu. Vì vậy, nguy cơ tụt hậu về kinh tế, bỏ lỡ cơ hội phát triển kinh tế số để gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ban hành ngày 27.9.2019, trong đó đặt ra vấn đề chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, mới được tổ chức quán triệt đến các địa phương. Thiển nghĩ, đây là nội dung trọng tâm cần định hướng rõ khi xây dựng chiến lược phát triển Quảng Nam thời kỳ mới.