Cái chữ trên non

Đăng Quang 21/10/2019 14:22

Mùa giải báo chí Huỳnh Thúc Kháng của Quảng Nam năm rồi có tác phẩm “Cõng chữ lên non” khá ấn tượng đã được trao thưởng. Đó cũng là câu chuyện kể về nỗi nhọc nhằn của sự học miền núi thường phập phồng nỗi lo.

Nhưng trong phóng sự ảnh ấy chỉ mô tả ít ỏi về hình ảnh các thầy giáo lên núi đi dạy. Hoặc đâu chỉ có hình ảnh đẹp như trong bức ảnh ở Tắc Pổ trên núi rừng Trà My vào mùa khai giảng vừa rồi. Mà ngay trong bức ảnh đó, nhìn kỹ cũng có chi tiết khiến chúng ta phải nao lòng vì các em học trò mang theo bàn chân lấm lem bùn đất tới lớp, tới điểm trường.  

Vấn đề lớn hơn rất nhiều là chính vì phải qua đèo dốc gian nan với cái nghèo và hủ tục, con em đồng bào dân tộc thiểu số ở một số vùng vẫn còn đối diện với nguy cơ thất học. Thông tin gần đây cho hay, trong năm học này, trên địa bàn huyện miền núi Tây Giang, có 84 học sinh trung học bỏ học, học “giã gạo”, trong đó bậc THPT 54 học sinh, THCS 30 học sinh.

Học “giã gạo” là thế nào? Đó là kiểu đi học bữa có bữa không, đi vài bữa rồi nghỉ đi rẫy, đi làm ít bữa. Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi, đóng tại ở xã A Tiêng có 19 trường hợp như vậy. Nguyên nhân bỏ học được xác định có rất nhiều khía cạnh như do gia đình các em còn khó khăn, bố mẹ chưa quan tâm được nhiều do họ còn phải lo cái ăn, cái mặc. Hoặc nguyên nhân từ chính các em là vì năng lực yếu, lại nghỉ học nhiều nên kết quả học tập kém, nảy sinh tâm lý chán nản. Mặt khác, tác động lớn từ phía thực tế khách quan là thấy nhiều anh chị lớn hơn đi học ra trường nhưng không xin được việc làm, khiến các em muốn nghỉ học đi làm phụ việc kiếm tiền.

Dù ngả rẽ về hướng nào cũng cho thấy sự chênh vênh của giáo dục miền núi. Chênh vênh như các câu hỏi mà các thầy cô đứng lớp ở các vùng miền núi xa xôi hẻo lánh từng phải băn khoăn trước học trò, rằng:  Con chữ của thầy quý thật, nhưng cái bụng đói thì biết phải làm sao? Đi học có no được cái bụng không thầy?

Bỏ học giữa chừng vì cái bụng, ít nhiều có tác động của sự thay đổi chính sách. Chẳng hạn, do tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi thay đổi theo quyết định của Chính phủ nên một số địa bàn xem như thoát khỏi danh sách này. Vậy nên ở các nơi đó, con em đồng bào sẽ không tiếp tục được hưởng chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn nữa. Cái bụng con em đồng bào chưa thể ưng chuyện này, nên xuất hiện nguy cơ con em họ bỏ học giữa chừng. Cho nên có một vòng luẩn quẩn nghèo thì thất học, không có học thì nghèo, và cái tiêu chí  “3 đủ” (đủ ăn, đủ quần áo, đủ sách vở) vẫn điều cần suy nghĩ để ưu tiên hàng đầu cho học sinh các vùng khó khăn.

Bỏ học giữa chừng còn do ảnh hưởng của hủ tục lạc hậu, đó là nạn tảo hôn. Dù đã có nhiều cuộc vận động nhưng đây đó trên miền núi, tình trạng học sinh vừa đến tuổi dậy thì, đã bỏ học giữa chừng để cưới chồng, cưới vợ. Trên Báo Quảng Nam từng phản ánh về vấn đề này, với những lời ru buồn qua các ngôi làng đầy màn sương ám ảnh. Tảo hôn kéo tách hộ, dựng cơ ngơi tạm bợ cho đôi vợ chồng trẻ con chưa biết làm ăn, tổ chức cuộc sống, nên càng làm cho cái nghèo đeo đuổi, phát sinh.

Cần đầu tư trang bị nhiều thứ nữa cho hạ tầng giáo dục miền núi. Cần giáo dục nhận thức cộng đồng, thay đổi tập quán hủ tục. Cần đẩy lùi,  xóa được cái nghèo, giải quyết công ăn việc làm cho đầu ra của sản phẩm giáo dục, từ giáo dục con chữ đến dạy nghề. Hàng loạt vấn đề như thế cần giải quyết với hành trình tìm cái chữ trên non.

Đăng Quang