Nhượng quyền thương hiệu thức ăn nhanh

ĐĂNG QUANG 07/10/2019 10:30

Tạp chí điện tử Công Thương vừa đưa lên một câu chuyện khá thú vị về thương hiệu Bánh mì Phượng (Hội An). Theo đó, Bánh mì Phượng đã chính thức có mặt ở khu Yeonnam-dong, quận Mapo-gu, Seoul, Hàn Quốc.

Cơ sở tại đây thiết kế không gian khá đẹp, mang màu sắc đặc trưng của Phố Hội và hương vị bánh không khác gì nơi chính gốc. Chỉ có giá bán thì hơi đắt so với ở Hội An (dao động từ 7.000 đến 8.000 won, tương đương 140.000 – 160.000 VND).

Có lẽ sự hiện diện của một thương hiệu ẩm thực của Hội An tại xứ sở kim chi đã được dọn đường quảng bá truyền thông đủ lâu. Đặc biệt, khi du lịch thu hút đông du khách Hàn Quốc mấy năm qua, chắc chắn có hiệu ứng lan tỏa với ấn tượng Bánh mì Phượng thơm ngon nức tiếng. Bằng cách nhượng quyền thương hiệu, Bánh mì Phượng hiện diện trên quê hương người Hàn, hy vọng mở ra thêm một phân khúc cho con đường vươn ra thế giới của bản sắc đặc trưng ẩm thực Việt.

Nhân câu chuyện về Bánh mì Phượng, chợt nghĩ đã đến lúc cần tìm ra bài bản phát triển qua cách nhượng quyền thương hiệu. Tại sao các thương hiệu lớn của thế giới tìm cách đổ bộ vào Việt Nam? Bởi vì các chuyên gia nhận định, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường bán lẻ sôi động nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương với tốc độ tăng trưởng gần 12%/năm. Theo dự báo, doanh thu bán lẻ của Việt Nam có thể lên tới gần 180 tỷ USD vào năm 2020 và xu hướng các thương hiệu nước ngoài vào Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động, trong đó chủ yếu theo con đường nhượng quyền. Đến nay, đã có hàng trăm thương hiệu được nhượng quyền, trong đó các công ty đến từ Anh, Pháp, Mỹ, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản trong lĩnh vực thức ăn nhanh (F&B), giáo dục, hàng tiêu dùng... Đáng chú ý là thị trường thức ăn nhanh (fastfood) của Việt Nam bùng nổ khi xuất hiện khá nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới, như Burger King, KFC, Lotteria, ... hay như McDonald’s. Trong khi đó, ở chiều ngược lại thương hiệu thức ăn nhanh từ nước ta ra nước ngoài còn khá khiêm tốn. Vì sao như vậy? Có lẽ điều trước hết là muốn nhượng quyền phải có thương hiệu đủ độ tin cậy, đủ mạnh, có thể tiếp cận thị trường lớn thông qua chuyển giao công nghệ, quản lý bền vững. Thực tế đã có trường hợp ở xứ ta nhượng quyền thất bại như thương hiệu Cháo Cây Thị từng thu được hơn 10 tỷ đồng nhờ nhượng quyền, trung bình 800 triệu - 1 tỷ đồng/cửa hàng, nhưng khi có thông tin dùng chất bảo quản Natri Benzoat chống ôi thiu cháo, nhiều cửa hàng mua nhượng quyền Cháo Cây Thị đã sụt giảm doanh thu thê thảm. Cho nên, muốn nhượng quyền thành công thì phải bảo chứng về chất lượng và quản trị thương hiệu tốt.

Một vấn đề khác cần đề cập là khái niệm và cách xúc tiến nhượng quyền thương hiệu. Thực ra, việc nhượng quyền thương hiệu (franchise) là cho phép một tổ chức hoặc cá nhân được kinh doanh hàng hóa hay dịch vụ theo hình thức, phương pháp kinh doanh bao gồm thương hiệu, công nghệ, cách thức quản lý của bên nhượng quyền tại một điểm, khu vực trong một khoảng thời hạn nhất định với một khoản chi phí hay phần trăm doanh thu, lợi nhuận.  Muốn nhượng quyền thì quan trọng phải định giá thương hiệu và số phí. (Theo bảng công bố xếp hạng 500 thương hiệu nhượng quyền trong năm 2018 trên trang entrepreneur.com, giá nhượng quyền của những thương hiệu này từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn USD, những thương hiệu có giá rất cao như Dunkin’ với 1,7 triệu USD, cao nhất là McDonald’s với mức giá 2,2 triệu USD).  

Nhượng quyền thương hiệu cũng là cách “thuyền cỏ mượn tên”, có vẻ đắc dụng trong thời toàn cầu hóa, hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới. Nên chúng tôi cảm thấy hứng thú khi ngoài Bánh mì Phượng, Hội An còn có thương hiệu Cơm gà Bà Nga (Hội An) đang rao trên mạng việc nhượng quyền (mức phí nhượng quyền và công thức: 400 triệu VNĐ; Chi phí setup cửa hàng: 600 - 800 triệu VNĐ; Phí thương hiệu hàng năm: 3% doanh thu).

ĐĂNG QUANG