Xung đột trong an ninh môi trường
Nhà máy cồn Đại Tân lại gây ra sự cố môi trường khiến nhiều người dân bức xúc. Dân tụ tập đòi quản lý nhà máy phải giải thích nguyên nhân, đòi chính quyền địa phương phải can thiệp xử lý. Phía chính quyền ngay lập tức yêu cầu nhà máy dừng hoạt động để xử lý sự cố, còn phía nhà máy đã cam kết đóng hết cống xả thải, thu hồi dầu fusel tràn ra hồ sinh thái...
Nhưng cho dù xử lý được vụ này thì khi được hỏi lại chắc người dân vẫn chưa yên tâm. Vì sao? Bởi nhiều lẽ, trước hết là phải lý giải nguyên nhân cho rõ ràng. Dân thì la trời vì mùi hôi nồng nặc, ông nhà máy lại giải thích trên nhiều tờ báo đó là “mùi đặc trưng” (?). Căn cơ là cái “mùi đặc trưng” đó có gây hại gì đến sức khỏe không thì vẫn chưa rõ, còn phải lấy mẫu, chờ quan trắc, kiểm định... Dân cũng mù mờ thông tin về công nghệ và hồ sơ đánh giá tác động môi trường, nên bảo họ tin những lời hứa đi hứa lại sao cho ổn? Nếu lại phát tán mùi hôi nữa thì phải ngửi à? Xung đột vẫn tiềm ẩn đó, an ninh môi trường vẫn bị đe dọa đó, làm sao phải minh bạch thông tin về công nghệ xử lý, đối thoại cho rõ ràng.
Nói về niềm tin, tưởng cũng nên nhắc lại sự kiện về nguy cơ vỡ nợ của nhà máy này hồi 2012. Ra đời từ 2.4.2010, Nhà máy cồn Đại Tân của Công ty CP Đồng Xanh nhận được sự kỳ vọng rất lớn của nông dân lẫn chính quyền địa phương. Những dòng xăng sinh học E5 xuất xưởng đã gây nên sự trầm trồ, phấn khởi. Rồi công ty này từng ôm ấp giấc mộng vươn xa, mở rộng, tính mua lại cơ sở của Công ty Phân bón Quảng Nam để nâng cấp, sửa chữa, đầu tư sản xuất cồn công nghiệp. Nông dân trồng sắn của Quảng Nam và nhiều tỉnh khác đều khấp khởi mừng. Ai ngờ, sau đó có nguy cơ vỡ nợ (nghe đâu khoảng 900 tỷ đồng), nên sau này Công ty CP Đồng Xanh chuyển nhượng và chuyển giao quyền quản lý cho Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm. Từ đó đến nay, hoạt động của nhà máy lại để xảy ra tai tiếng về các vụ gây ô nhiễm môi trường. Đây đâu phải lần đầu có sự cố, nhà máy đã từng gây ô nhiễm và dân đã kiến nghị xử lý (như hồi tháng 7.2018), song mọi việc vẫn không được giải quyết rốt ráo. “Bỏ thì thương, vương thì tội”, xung đột giữa lợi ích của doanh nghiệp và môi trường sống của người dân là điều cần thức nhận đầy đủ mới có thể giải quyết gốc rễ vấn đề.
Thực tế hiện nay trên địa bàn Quảng Nam, không thiếu các ví dụ khác về kiểu xung đột như vậy. Chẳng hạn như nhà máy thép ở Điện Bàn. Bao nhiêu lần dân phản đối, nhà máy đình sản xuất, rồi thì tính chuyện di dời nhưng vẫn chưa xong. Đặc biệt là dân ở quanh các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc, chế biến sắn đều la trời không thấu vì mùi hôi thối. Ai về ngõ qua Điện Nam Đông đến giáp Điện Dương (Điện Bàn) thì mũi không chịu nổi khi trời oi nồng lắc rắc mưa, nhà máy chế biến thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản thải ra “mùi đặc trưng” thối cả vùng. Nhà máy chế biến sắn ở Quế Sơn cũng từng gây mùi nồng sặc thế. Còn các cơ sở xử lý rác thải thì khỏi nói, đầy khói và mùi hôi…
Chuyện sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì không thể phân biệt đối xử, ai cũng có quyền đầu tư, nhưng gây xung đột với môi trường là tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh. Chủ trương chung là không hy sinh môi trường lấy lợi ích kinh tế, cũng như định hướng của Quảng Nam trong thời gian đến là không cấp phép đầu tư cho những dự án có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến môi trường. Vậy thì trước mắt, với những nhà máy đang có vấn đề hiện hữu cần phải xử lý về công nghệ. Cần dứt khoát rằng, nếu công nghệ không xử lý nổi mà để xả thải gây ô nhiễm môi trường thì phải kiên quyết có chế tài đình chỉ hoạt động, được không?