Cây… lười
Trong một báo cáo chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững ở miền núi Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã sử dụng bộ công cụ SWOT để chỉ ra những điểm mạnh/yếu, cơ hội/thách thức của khu vực phía tây. Nhận diện về một trong những điểm yếu của việc tổ chức sản xuất ở miền núi là trồng và chế biến lâm sản chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao vì còn dựa phần lớn vào thứ cây… lười.
Đó là cây gì vậy? Cây keo. Theo ông Lê Trí Thanh cũng như nhiều vị lãnh đạo ở các huyện miền núi, thực tế trong thời gian qua cây keo cũng giúp cải thiện sinh kế cho đồng bào. Tuy nhiên, với chu kỳ rất ngắn - khoảng trên dưới 5 năm là khai thác, lại chủ yếu chế biến thô (dăm gỗ, xay bột nguyên liệu giấy…), nên không cho lợi nhuận cao. Rừng trồng keo, nếu chỉ cho lời 60 triệu đồng/ha (tức bình quân khoảng 1 triệu đồng/ha/tháng), sẽ khó cho sự đột phá về thu nhập và so sánh về mặt hiệu quả kinh tế thì còn thua những loại cây khác. Nói đó là cây lười vì cứ trồng bừa ra đồi núi mà chẳng đầu tư chăm sóc gì nhiều, thậm chí có khi xuất hiện tình trạng “ăn non” nếu giá keo tự nhiên đột biến tăng. Đến kỳ thu hoạch được, nếu lười suy tính chế biến ra cái gì có lợi hơn thì cứ để đó đợi người đến hỏi mua.
Để nâng cao giá trị gỗ rừng trồng, bây giờ cần phải thay đổi nhận thức, tổ chức lại các khâu sản xuất và chế biến. Một định hướng đã được triển khai là tập trung trồng rừng gỗ lớn. Chính quyền địa phương cũng đã dự tính hỗ trợ chương trình này với mục tiêu kế hoạch thực hiện đến năm 2020 đạt hơn 10.000ha, trong đó 9 huyện miền núi là gần 8.500 ha. Tuy nhiên, hiện tại việc tổ chức theo kế hoạch trồng rừng gỗ lớn còn gặp không ít khó khăn, nhất là việc địa phương chậm xây dựng và phê duyệt dự án, nên chưa hội đủ cơ sở điều kiện xây dựng kế hoạch phát triển, kể cả việc chuẩn bị quỹ đất. (Đến nay mới có 4 địa phương đã phê duyệt dự án trồng rừng gỗ lớn là Đông Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My và Tiên Phước). Đặc biệt ở phía người dân việc hưởng ứng chủ trương vẫn còn nhiều băn khoăn, do dự, bởi họ thiếu vốn đầu tư sản xuất để trồng rừng với chu kỳ dài, việc kinh doanh trồng rừng gỗ lớn cũng lâu cho thu hồi vốn trong khi mức độ rủi ro cao vì thiên tai. Bên cạnh sản xuất, các điều kiện để nâng cao năng lực chế biến gỗ cũng còn nhiều vấn đề phải giải quyết, vì hiện tại sản phẩm chủ yếu vẫn là gỗ băm dăm, nhà máy chế biến gỗ còn quá ít...
Rõ ràng, đối với các huyện miền núi, ngoài vấn đề bảo tồn vốn rừng tự nhiên như ông Bling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang nói “rừng còn, còn phát triển; rừng mất sẽ suy vong”, thì việc phát triển rừng sản xuất, rừng trồng là một định hướng đúng đắn nhằm tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhưng để hiện thực hóa chủ trương ấy là cả một hành trình mà nếu lười suy tính đầu tư và thực hiện, chỉ dựa vào thứ cây lười như cây keo, sẽ khó có bước đột phá làm giàu.
Với kỳ vọng về tương lai, cơ hội và thách thức cho vùng tây Quảng Nam cần nhận diện ở các huyện miền núi là phải tìm cách phát triển cho được ngành công nghiệp dược liệu và ngành công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng hướng tới xuất khẩu. Con đường đi tới và đi lên của miền núi Quảng Nam hẳn còn nhiều gập ghềnh trắc trở nhưng hướng mở phải từ lợi thế so sánh - phát triển kinh tế rừng.