Sức hút từ những ngôi làng cổ
Dân làng Lộc Yên (Tiên Cảnh, Tiên Phước) sẽ khó quên câu chuyện của những ngày hội đậm đà bản sắc xứ Tiên như vừa qua. Vinh dự khi đón nhận bằng Di tích quốc gia, không những đem lại niềm tự hào của làng cổ Lộc Yên, mà còn cho những ngôi làng xứ Quảng.
Ngày hội làng tràn đầy âm hưởng của tình yêu quê hương xứ sở, thấm đẫm trong những câu hò khoan, hội hát bài chòi, thơm lừng hương nếp, hương cau, hương rau quả đặc trưng vùng trung du, đã thu hút khoảng gần vạn rưỡi người đến tham quan. Rõ ràng với văn hóa làng cùng cảnh quan sinh thái, với những mái nhà cổ, ngõ đá, vườn cau, đồng lúa, giếng cổ… tạo nên vẻ đẹp có sức hút, mê đắm hồn người.
Từ câu chuyện của Lộc Yên, lại miên man nghĩ về những ngôi làng khác của xứ Quảng mà ở đó cũng đầy vẻ đẹp không kém, thậm chí có bề dày lịch sử, văn hóa truyền thống chứa đựng nhiều giá trị vượt thời gian.
Như ngôi làng Thanh Chiêm (Điện Phương, Điện Bàn), từng có văn miếu, dinh trấn, trường đốc, trường tuồng, nơi khai sinh ra chữ quốc ngữ, và có những nghề thủ công mỹ nghệ đặc sắc. Nơi ấy còn những ngôi đình, nhà thờ, di chỉ khảo cổ học, minh chứng một lịch sử cả nửa thiên niên kỷ có bao điều kỳ diệu. Dinh trấn Thanh Chiêm cũng đã được công nhận Di tích quốc gia, và lễ hội làng Thanh Chiêm diễn ra năm 2017, mang bao hoài niệm cùng khát vọng là điểm nhấn trên cung đường nối kết hai di sản Hội An và Mỹ Sơn.
Rồi từ Thanh Chiêm ngược dòng Thu Bồn lên Gò Nổi, sẽ đến làng Bảo An. Đó cũng là ngôi làng cổ, đã được thành lập bởi các bậc tiền nhân theo chân vua Lê Thánh Tông đi bình Chiêm vào năm 1471. Làng Bảo An là chiếc nôi sinh ra những người con nổi tiếng như Phan Khôi, Phan Thành Tài, Lương Khắc Ninh, Xuân Tâm, Phan Thanh, Phan Bôi… Ngôi đình làng được dựng năm 1702, tôn tạo sau nhiều lần và được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh năm 2013. Bảo An từng nổi tiếng với những nghề truyền thống nuôi tằm dệt lụa, nghề mía đường... Làng được bảo bọc trong khung cảnh được quy hoạch khá đẹp như câu ca “cảnh mô thanh cảnh cho bằng cảnh Bảo An”. Mấy năm gần đây, Bảo An cũng tìm cách khơi dậy các giá trị truyền thống, trong đó có lễ hội Thanh Minh phủ khắp vùng Gò Nổi, réo rắt gọi về bao bước chân đứa con xa quê ở mọi miền và du khách gần xa.
Lại kể thêm một số ngôi làng nữa cũng thuộc “dạng cổ” khi xét lịch sử tồn tại hàng mấy trăm năm. Như làng Thu Bồn, có Lăng Bà Thu Bồn, nằm gần Khu đền tháp Mỹ Sơn. Đó là ngôi làng hòa quyện văn hóa Việt – Chăm, với tín ngưỡng thờ cúng bà mẹ xứ sở, mở hội vào các ngày 11, 12 tháng 2 âm lịch. Hay như làng Chợ Được (Thăng Bình) có lễ rước cộ, tôn vinh giá trị văn hóa tâm linh. Những ngày hội ở các làng ấy, du khách cũng được hòa mình vào những sắc màu văn hóa, ẩm thực đặc trưng.
Theo bước chân đi mở nước của cha ông, những làng ven sông phía bắc Quảng Nam thường có niên đại cổ xưa hơn phía nam. (Làng Lộc Yên thực sự được khai phá từ triều Tây Sơn (1771 - 1802), hiện tại còn lưu giữ nguyên vẹn 8 ngôi nhà cổ có niên đại 100 - 150 năm). So sánh vậy để thấy rằng, giá trị không chỉ ở niên đại, và tiềm năng để Quảng Nam làm “sống dậy” giá trị của làng cổ không chỉ mỗi Lộc Yên hoặc Thanh Chiêm, Bảo An (Điện Bàn), Phiếm Ái (Đại Lộc), Thu Bồn (Duy Xuyên), Hương Quế (Quế Sơn), Hương Trà (Tam Kỳ)… Vấn đề là người dân của những ngôi làng ấy, được sự hỗ trợ của chính quyền, biết giữ gìn và phát huy những di sản quý báu, tôn tạo cảnh quan sinh thái, và làm ra những sản phẩm văn hóa, làng nghề, ẩm thực đặc sắc để níu bước chân người trẩy hội. Có như vậy, làng và hội làng mới trở thành sản phẩm du lịch, một hướng đi mới mẻ, giàu cảm xúc ấn tượng cho xứ Quảng.