Lãng phí chất xám
Chuyện một cử nhân Luật ở Đại Lộc đi làm xây dựng rồi bỏ việc về quê mở trang trại chăn nuôi đăng trên Báo Quảng Nam trước đây khiến tôi nhớ lại nhiều câu chuyện về lãng phí chất xám ở đất nước ta.
Theo ThS. Lê Thị Ngọc Dung, Viện nghiên cứu xã hội TP.Hồ Chí Minh, kết quả khảo sát tại Đại học Khoa học xã hội nhân văn cho thấy, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên ngành chỉ chiếm hơn 30%. Không ít sinh viên bỏ học từ năm đầu tiên, đợi sang năm thi lại hoặc học thêm chuyên ngành khác vì hoang mang không biết làm gì khi ra trường. Việc 47% số thí sinh đổi nguyện vọng xét tuyển đại học mới đây ở Hà Nội cũng đáng suy nghĩ.
Đối với các bạn trẻ không tìm được việc làm phù hợp với năng lực đã được đào tạo hay các thí sinh phải đổi nguyện vọng xét tuyển đại học để chọn ngành học phù hợp như nêu trên, chúng ta còn thấy rằng: Tình trạng thiếu những cơ quan chức năng dự báo, định hướng ngành nghề trong dài hạn và trung hạn của các tỉnh thành, các ngành kinh tế. Vì vậy, hàng nghìn sinh viên ra trường không có việc làm hoặc sử dụng không đúng ngành nghề. Nhiều sinh viên trong lúc đang học còn cho biết họ rơi vào tình thế “bị chọn” ngành nghề và cả áp lực phải học đại học thì mới... oai!
Lãng phí về chất xám trong giới trí thức cũng có ở nhiều nơi. Báo chí từng đưa tin nhiều người học về kỹ thuật hàng không khi ra trường lại được bố trí làm ở một công ty du lịch; một kỹ sư trồng trọt về làm kinh tế đối ngoại; những phi công lái AN 26 có bằng cấp ICAO hẳn hoi lại được điều về làm việc ở một nhà nghỉ…
Ở nhiều đơn vị công tác, chắc chắn bạn đọc có thể thấy cụ thể hơn sự lãng phí như vậy mà trong kinh tế học vẫn gọi là sự khiếm dụng - nghĩa là sử dụng không đúng khả năng một nhân viên như họ đã được đào tạo. Một bác sĩ kể với người viết: Có bác sĩ chuyên khoa về thần kinh nổi tiếng và một đồng nghiệp khác là chuyên gia về ổ bụng đến tuổi về hưu - mặc dù còn sức cống hiến và nhiều kinh nghiệm - nhưng ngay lập tức bị chính nơi họ công tác quên ngay. Thay vì mời họ tiếp tục tư vấn, hỗ trợ về chuyên môn để giúp các bác sĩ trẻ, thì những vị này hoàn toàn bị đặt ra ngoài, không ai nhắc tới! Tất nhiên, bằng uy tín và tâm huyết, các chuyên gia này ngay lập tức được mời làm việc ở bệnh viện tư sau đó. Nhưng vấn đề là ở chỗ, tại sao các bệnh viện nhà nước - nơi họ đã công tác hơn 3 thập kỷ lại bỏ phí những tài năng như vậy?
Người viết từng gặp một kiến trúc sư bị chuyển đi làm công tác đoàn thể, một giáo viên giỏi đi làm công đoàn, một kỹ sư phụ trách phòng tổ chức… trong một vài địa phương, cũng là sự lãng phí không nhỏ!
Còn nhớ, trong một bài viết cách đây không lâu, GS. Trần Văn Thọ - Đại học Wesada, Nhật - đã nêu chuyện những chuyên gia, những nhà quản lý người Nhật sau khi về hưu ở tuổi 65 vẫn được chính phủ và các tổ chức xã hội mời tiếp tục làm việc trong các đoàn chuyên gia đi hỗ trợ các nước nhận viện trợ ODA của Nhật. Với tài năng, kinh nghiệm tích lũy được, các vị ấy đã trở thành những tình nguyện viên đến làm việc tại nhiều nước Đông Nam Á và rất được các doanh nghiệp, cơ quan liên quan ở các nước sở tại hoan nghênh, trọng vọng. GS. Trần Văn Thọ đã nhấn mạnh rằng đây chính là một nguồn chất xám rất quan trọng mà những nước như Việt Nam cần tranh thủ mời họ đến giúp.
Ở nước ta, có chuyện quên lãng tài năng dù họ đến tuổi hưu nhưng vẫn còn khao khát cống hiến, hay đưa cán bộ khoa học sang làm quản lý nhà nước hoặc đoàn thể cũng là những trường hợp lãng phí chất xám vậy! Và trong lĩnh vực công quyền, sự lãng phí gây ảnh hưởng (và có khi là gây tác hại) không chỉ cho một người!