Làm thế nào để thu hút khách Nhật?
Theo ông Junichi Kawaue - Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh, lượng du khách Nhật đến các nước Đông Nam Á năm 2017 là 4,9 triệu người. Trong đó, du khách ghé thăm Việt Nam đứng thứ hai sau Thái Lan, với hơn 800.000 lượt, tăng hơn 7% so với năm trước. Con số này có thể tăng lên hơn 1 triệu lượt vào năm 2020. Du khách Nhật Bản hàng năm đến Việt Nam là khá lớn, nhưng họ đến miền Trung vẫn chưa nhiều, vì sao?
Riêng tại Hội An, nếu năm 2015 có 45.968 lượt khách Nhật đến tham quan lưu trú (tỷ lệ 5,97%); năm 2016 là 60 ngàn lượt (tăng 5,9%) nhưng lại giảm mạnh vào năm 2017 với chưa đầy 50 ngàn khách, năm 2018 khách Nhật đến Quảng Nam cũng chỉ 50 ngàn lượt, và 2 tháng đầu năm 2019 cũng chỉ hơn 8,2 ngàn lượt.
Theo giáo sư Ijima Yukichika - Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch toàn cầu, ba tỉnh miền Trung trong mắt người Nhật là một vùng văn hóa nhiều tiềm năng nhưng chưa có chiến lược quảng bá với thị trường Nhật một cách bài bản, chưa hiểu rõ tâm lý, thói quen của người Nhật khi ra nước ngoài. “Miền Trung Việt Nam có những đặc trưng như Hawaii là giàu tài nguyên văn hóa và thiên nhiên, người dân cởi mở. Nhưng Hawaii luôn thu hút người Nhật khi họ bắt đầu nghĩ đến việc đi du lịch cũng như nghĩ đến nơi sẽ quay lại, bởi vì sự đón tiếp nồng ấm, có tầm nhìn và mục tiêu cụ thể đối với thị trường du khách tiềm năng này. Nền du lịch Hawai luôn có sẵn người nói tiếng Nhật và món ăn Nhật ở mọi nơi để đón tiếp bất cứ du khách nào đến từ Nhật” - Giáo sư Ijima Yukichika nói.
Khách Nhật đi du lịch nước ngoài đa số thường là những người lớn tuổi sẵn sàng chi tiêu nhiều, nhưng do ngôn ngữ cách biệt, họ thường mua tour ở các công ty lữ hành. Tuy nhiên, việc quảng bá và hợp tác của du lịch miền Trung hiện rất yếu kém. Một lãnh đạo ngành du lịch ở Huế cho biết, tuy đã có những cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh và ngành của 3 tỉnh thành thuộc “con đường di sản miền Trung” nhưng hơn chục năm nay chưa có sự hợp tác, gắn kết hiệu quả. “Chúng tôi thấy 3 địa phương cần một văn phòng đại diện của Con đường di sản để quảng bá tại thị trường Nhật. TP Đà Nẵng đã có văn phòng đại diện tại Nhật nhưng chỉ làm công tác xúc tiến đầu tư chứ chưa làm gì nhiều cho du lịch”, quan chức này nói.
Một giảng viên kinh tế tại trường đại học Chukyo, ông Yoshiaki Noguchi từng đưa ra khái niệm “Concept du lịch” như một gợi ý cho du lịch miền Trung khi xây dựng chiến lược chung. “Concept như một mũi tên dẫn đường cho toàn bộ hoạt động để thực hiện chiến lược cơ bản vừa chú trọng đến tài nguyên con người, văn hóa trong hoạt động du lịch…Các bạn coi Huế, Hội An, Mỹ Sơn là những vùng riêng biệt, nhưng dưới mắt người Nhật, tất cả đều nằm trong một vùng và vì vậy cần có một concept làm rõ đặc trưng vùng để truyền đạt sức hút của vùng đối với du khách Nhật! Quan trọng nữa, các bạn ngồi lại và cam kết hợp tác cụ thể về khai thác, quảng bá hình ảnh miền Trung gồm việc chuẩn hóa hệ thống cũng như giá cả các dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực, phương cách xúc tiến tại thị trường Nhật, trong đó có việc liên kết mở các đường bay….
Một doanh nhân du lịch miền Trung từng nói với tôi: “Thị trường Nhật là đối tượng mà chúng tôi thèm khát lâu nay”. Nhưng theo tôi, nếu chúng ta chưa thật sự hợp tác, chưa chuẩn hóa các dịch vụ và kỹ năng tiếp cận, thì với bất cứ thị trường nào, việc quay lại hay lưu trú nhiều ngày của du khách cũng sẽ là sự thèm khát ngoài tầm tay vậy!