Rác... trong ý thức

NGUYỄN ĐIỆN NAM 18/02/2019 03:07

Lễ hội mùa xuân đã bắt đầu từ tết và sẽ còn kéo dài hết Giêng, Hai. Rồi năm nào cũng thế, vấn nạn rác thải vẫn trở lại với điệp khúc cũ, rải khắp các di tích, điểm tham quan từ nam ra bắc.

Đọc báo, xem ti vi không khỏi xót xa khi thấy “thành phố ngàn hoa” Đà Lạt tràn ngập túi nylon, chai nhựa, hộp xốp của du khách vứt ngổn ngang trên đường phố, từ chợ cho đến các đồi thông, công viên… Ngay ở điểm du lịch tâm linh nổi tiếng như non thiêng Yên Tử (Quảng Ninh), từ các chùa chiền đến dọc đường lên chùa Đồng cũng đầy rác thải. Khách thì chật như nêm với dòng người hàng chục nghìn lượt lên xuống mà mặc sức xả rác làm sao mà dọn xuể. Một thông tin cho biết, đội ngũ công nhân môi trường làm việc tại đây phải thường xuyên tăng ca phục vụ lễ hội. Tuy nhiên, mỗi ngày công "cõng rác" từ đỉnh Yên Tử xuống điểm tập kết dưới chân núi, mỗi người “cõng rác” chỉ nhận được 275.000 đồng.

Chuyện rác kể mãi không cùng, cho thấy ý thức bảo vệ môi trường của người Việt rất kém. Ở đây muốn đề cập thêm một loại rác khác từ trong ý thức, trong ứng xử thiếu văn hóa, văn minh, đó là người ta có thể biến nhiều chốn linh thiêng trở thành nơi ô trọc. Ví như ở các đền chùa, khách thập phương mang đến những mâm đồ lễ, hương, hoa quả đồ sộ..., và rất nhiều tiền lẻ. Những đồng bạc có mệnh giá từ 500 đồng đến 1.000, 2.000 và 5.000 đồng được người ta cài cắm khắp mọi nơi, từ các ban thờ, nhét vào tay tượng Phật, rải ra ao, giếng. Nhìn cảnh tiền lẻ lềnh bềnh như rác trên các ao chùa  mới thấy sự phản cảm của hành động rải tiền lẻ để cầu may, cầu tự, cầu duyên. Một dịch vụ “ăn theo” có cơ vi phạm pháp luật là đổi tiền lẻ nảy sinh, hoành hành trước cửa chùa. Lạ là dù ngân hàng không phát hành tiền mệnh giá nhỏ trong dịp tết rồi nhưng muốn đổi tiền lẻ ở các điểm tham quan bao nhiêu cũng có. Một phóng sự truyền hình mô tả rõ chuyện khách đổi 120 ngàn đồng lấy 100 ngàn đồng tiền mệnh giá nhỏ rất dễ dàng.

Rác trong ý thức còn hiện ra khuôn mặt rất bẩn khi người ta lấy tiền chấm vào mâm máu heo để cầu may.

Rác trong hành vi mê tín dị đoan khi người ta tranh nhau cướp ấn, cướp lộc, trong khi đó thì nườm nượp đội sớ dương sao, chen chúc đến mấy ngàn người ở cửa chùa để cầu hóa giải điều hung.

Quan sát các hiện tượng cúng bái tràn lan, đi lễ cầu phước, rồi mê tín dị đoan thấy sự lệch chuẩn giá trị ứng xử văn hóa. Thật lạ nữa là tồn tại trong xã hội những nghịch lý, sự tương phản. Chẳng hạn, muốn cầu tránh được tai họa cho mình mà sao mình lại đi gieo điều dữ cho cộng đồng? Đến chốn tâm linh để cầu yên bình mà sao gây náo động từ việc xả rác cho đến tranh đoạt nhau? Phước, lộc đâu thể cướp mà giữ được?

Rõ ràng câu chuyện văn hóa sẽ còn phải bàn nhiều trong lối ứng xử của người Việt chúng ta. Muốn thay đổi hành vi để làm cuộc sống tốt đẹp lên hẳn nhiên phải bắt đầu từ nhận thức, ý thức của mỗi người đến cả cộng đồng. Để lễ hội mùa xuân sáng trong tươi vui thì mỗi người đều cần tự biết dọn sạch rác rưởi có thể nảy sinh từ ý thức đến hành vi ứng xử thiếu văn minh.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

NGUYỄN ĐIỆN NAM