Giếng xuân
Chộn rộn cả tuần rồi tết cũng đi qua. Mùa xuân như lòng giếng xao động mấy hôm rồi trở lại với nhịp điệu thường nhật. Người người nườm nượp lên đường vào nhà máy, công sở. Ở làng, nhà nông ra chăm vườn, đi thăm nom đồng lúa. Ở phố, nhà buôn mở cửa tiệm kinh doanh…
Sơ kết tin tức dịp tết có đủ cả vui buồn.
Vui với mùa xuân tươi ở các làng quê, rôm rả bao sắc màu mới mẻ. Nông nghiệp bước vào năm mới với kỳ vọng tạo nên những cánh đồng lớn cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến và xuất khẩu để nâng cao giá trị gia tăng. Công nghiệp chuyển hướng từ chủ yếu gia công sang chế biến chế tạo và công nghệ hỗ trợ. Những mô hình khởi nghiệp tiếp tục ra đời tiến vào các lĩnh vực kinh tế chia sẻ, du lịch, công nghệ số…
Còn buồn với tết là những điều đã cũ chưa được cải thiện như mong muốn. Như tai nạn giao thông còn nhiều, nạn kẹt xe tái diễn. Như ngộ độc thực phẩm và rượu có hàng trăm ca ở nhiều vùng miền. Như ô nhiễm môi trường, rác thải và cả “rác” trong văn hóa ứng xử “chặt chém” khách du xuân. Như tình trạng tội phạm từ cướp giật diễn biến phức tạp, đến các vụ án rất nghiêm trọng. Đặc biệt Quảng Nam đau thương xé lòng với các em học sinh thiệt mạng ở biển Bình Minh. Những gam màu xám ấy nhắc nhở điều rằng để mùa xuân an lạc còn phải làm nhiều việc nữa cho lòng người an yên.
Để giếng xuân an lòng thì phải gạn đục khơi trong nhiều mảnh ghép của cuộc sống. Ấy là nói chuyện bình an và hạnh phúc cần sự phát triển bao trùm. Mục tiêu an sinh xã hội luôn là điều đau đáu. Kinh tế có khá giả mà những nguy cơ bất an còn ẩn giấu thì lòng giếng soi mặt người lo âu. Cả bốn trụ cột về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường luôn phải tương sinh, tương hỗ mới phát triển bao trùm cho đất nước, cho toàn dân, cho mỗi vùng miền.
Trở lại với nhịp sống mỗi ngày là công việc chăm lo làm ăn, sinh thành và dưỡng dục con cái, gieo trồng và thu hái mùa màng, gieo nhân lành và đẩy lùi cái ác. Văn hóa chính là sức mạnh nội sinh thường hằng nhắc nhớ, khơi nguồn từ mùa xuân ấm nồng tình nghĩa thương cây nhớ cội. Văn hóa cũng là thao thức trong bốn mùa tám tiết, trong miên man cả đời người để dựng nghiệp cho quê hương xứ sở và ở mỗi xóm làng, mỗi nhà, mỗi người. Mà người xưa như đã lưu lại một gợi ý từ giếng cổ hiện diện khắp miền, rằng văn hóa như lòng giếng đầy mà không tràn, nước giếng càng múc càng trong, cho đi mà mạch nguồn không cạn, đó là phát triển bền vững vậy.
Giếng cũng là biểu tượng giao hòa thiên địa nhân, vừa hướng nội vừa hướng ngoại, hòa nhập mà không hòa tan. Ở xứ Đàng Trong từng có hệ thống giếng Chàm rồi tiếp nhận thêm phần của Việt, Hoa, Ấn, phương Tây mà văn hóa thêm bề dày tích tụ. Vuông tròn theo năm tháng, làng xóm, đô thị từ xưa đến nay luôn có bề dày thăm thẳm ấy làm chỗ dựa. Khơi mạch nguồn văn hóa, khơi lòng giếng - tâm hồn trong trẻo, khơi năng lượng tích cực lao động sáng tạo sẽ tạo ra giá trị mới cho mùa xuân mới.
Mùa xuân này đất nước bước dài thêm vào hành trình hội nhập sâu rộng cùng Hiệp định đối tác chiến lược và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Một khát vọng hành động lan tỏa từ Chính phủ đến các địa phương là tiếp tục cải cách, đổi mới đang thôi thúc mạnh mẽ. “Dĩ bất biến ứng vạn biến” là động - tĩnh linh hoạt, lòng giếng - lòng người luôn lắng đọng lợi ích quốc gia dân tộc nhưng cũng sẵn sàng tiếp nhận cái hay cái đẹp mới mẻ để làm giàu tri thức, phát triển bao trùm mọi mặt đời sống xã hội. Đi cùng dân tộc, người Quảng, đất Quảng cần nhanh chóng bước vào hành trình ấy, hội nhập và phát triển bền vững.
Từ nhà ra làng ra nước, nguồn mạch không ngừng tiến về phía trước. Nước không thể chối từ hội nhập nhưng biết gạn đục khơi trong để lòng giếng - lòng người trong trẻo soi tỏ bầu trời xuân.
NGUYỄN ĐIỆN NAM