Rắn thần lột xác
Ngày này cách đây 40 năm, vào 7.1.1979, quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng vũ trang nước bạn đã giải phóng thủ đô Phnom Pênh, cứu nhân dân Campuchia thoát nạn diệt chủng của chế độ Pôn Pốt.
Dù thời gian đã phủ bụi mờ quá khứ nhưng ký ức câu chuyện về tội ác diệt chủng vẫn còn âm vang mãi. Những nhà mồ Ba Chúc ở An Giang, hay những xóm làng dọc tuyến đường biên phía Việt Nam vẫn còn đó vết thương lòng của thân nhân đồng bào bị Pôn Pốt tàn sát. Người viết bài này cũng có dịp tham quan Campuchia, đến nhà tù Tuol Sleng nhìn thấy trưng bày hàng ngàn hộp sọ nạn nhân bị giết hại. Đó là một nấm mồ to lớn không khác “cánh đồng chết”, mà người nào đến thăm đều kinh hãi, ghê rợn với tội ác diệt chủng.
Đất nước chùa tháp có huyền thoại về con gái của thần nước biến từ rắn thành thiếu nữ, đó là cuộc lột xác của rắn thần Naga để khai sinh ra một dân tộc. Nhưng có lẽ với hình tượng của rắn cũng gắn với những cơn đau quằn quại khi trải qua cuộc sinh tồn và hủy diệt. Kinh thành Ăng Co không biết bao lần đã đổ nát vì các cơn binh lửa. Tháp Bayon ngửa mặt nhìn ra bốn phương làm chứng nhân cho bao đau thương đã hằn in trên thân rắn từng khúc... từng khúc... thấm máu. Đặc biệt cuộc chiến đẫm máu nhất là do Pôn Pốt tiến hành muốn đưa đất nước Campuchia trở lại thời hồng hoang dã man, giết hại tới 2 triệu người trong đó có hàng vạn trí thức ưu tú. Cuộc thảm sát cũng đã lan sang Việt Nam và ngay tại nhà tù Tuol Sleng có danh sách những nạn nhân người Việt; còn người Campuchia cũng đã phải chạy tị nạn khắp nơi. Một “cuộc chiến bắt buộc” do bộ đội Việt Nam và lực lượng vũ trang nước bạn đã phải tiến hành để tiêu diệt chế độ diệt chủng Pôn Pốt, phương châm là “giúp bạn cũng để giúp mình”. Một nghĩa tình trong quan hệ hữu nghị quốc tế điển hình được xây đắp bằng máu xương của bao người con đất Việt mà cho đến nay nhiều hài cốt bộ đội Việt Nam vẫn còn nằm trên đất bạn. Trai Hà Nội, trai xứ Quảng, trai Nam Bộ,... mới mười tám đôi mươi đã lên đường sang đất nước Ăng Co, rồi có người để tuổi thanh xuân mãi mãi nằm lại ở chiến trường. Rắn đã trườn qua cơn bão lửa để hồi sinh...
Ngày nay nếu ai có dịp đến thăm đất nước Campuchia sẽ thấy được sự hồi sinh mạnh mẽ trong vẻ mặt của “nụ cười Ăng Co”. Những vũ khúc của rắn trở nên mềm mại, uyển chuyển cùng điệu nhạc tươi vui. Khách du lịch muôn phương, trong đó đứng đầu là khách Việt, được hòa mình vào các lễ hội gọi mùa, được thiếu nữ Khơ Me tặng vòng buộc chỉ để gắn kỷ niệm tình thân ái. Ai đến thăm đền đài cung điện sẽ thấy sự hiện diện của đầu rắn Naga canh cửa, chào đón bạn bè và cảnh giác kẻ thù.
Bốn mươi năm, Việt Nam đã tổ chức mít tinh trọng thể kỷ niệm Chiến thắng biên giới Tây Nam, còn ở Campuchia cũng diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm Chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Dịp này, đã có nhiều tượng đài hữu nghị được dựng lên trên các tỉnh thành của nước bạn để ghi nhớ máu xương của quân tình nguyện Việt Nam. Điều cần khắc cốt ghi tâm mãi mãi là xây đắp bền vững tình hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc, cùng chung tay gìn giữ hòa bình và hợp tác phát triển. Một lời cầu nguyện cho hòa bình và thịnh vượng như thông điệp của Liên hiệp quốc vừa phát đi đầu năm mới.
Nhắc câu chuyện về tội ác diệt chủng để “tìm lại vết thương” mà cảnh giác với những thế lực chống lại nhân loại tiến bộ. Hành trình vạn dặm đi tìm hạnh phúc của loài người chính là làm sao để ngăn ngừa những cuộc binh lửa chiến tranh ly loạn. Để, như chàng trai xứ Quảng giờ đây muốn đến tham quan xứ sở Ăng Co chỉ cần vài giờ bay từ Đà Nẵng qua Xiêm Riệp mà tìm thấy những nụ cười chào đón. Để, vũ điệu Apsara xoắn xít như ôm lấy hồn người...
ĐĂNG QUANG