Đầu độc bằng thực phẩm bẩn

ĐĂNG QUANG 24/12/2018 02:55

Rất nhiều tỉnh thành phát hiện không ít cơ sở sản xuất có thực phẩm bẩn hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Rất nhiều chuyến xe hàng chở thực phẩm bẩn vào các thành phố lớn để tiêu thụ.

Như mới đây, tại Huế, công an phát hiện ô tô khách mang biển kiểm soát của Quảng Nam vận chuyển khoảng 2 tạ mỡ và da lợn bốc mùi hôi thối. Lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính đối với tài xế ô tô nói trên số tiền 5,5 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu hủy số hàng.

Trước đó, tại thành phố Vinh, có ô tô tải vận chuyển mỡ động vật đã qua sơ chế bốc mùi hôi thối, với trọng lượng tới hơn 1 tấn, bị phát hiện. Hay tại Quảng Ninh, có cơ sở chế biến 20 tấn lòng heo cấp đông rất bẩn và có các chất phụ gia không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ở thành phố đông dân nhất nước là TP.Hồ Chí Minh, liên tục có các chuyến hàng chở thực phẩm bẩn vào tiêu thụ. Nổi cộm như vụ phát hiện hàng chục con heo đã giết thịt, xẻ mảnh có các hạch sưng to, xung huyết chuẩn bị đưa đi tiêu thụ ở các chợ đầu mối; rồi có xe đông lạnh chở 3 tấn thịt chim cút đã bốc mùi hôi…

Một con số thống kê từ cơ quan hữu trách cho thấy, mỗi năm kiểm tra gần nửa triệu cơ sở sản xuất kinh doanh thì có hơn trăm nghìn cơ sở vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Còn số vụ vận chuyển thực phẩm bẩn đi tiêu thụ bị phát hiện nhiều nơi, khó tính hết. Câu hỏi đặt ra là, cơ sở pháp lý để xử phạt những vụ việc nêu trên không thiếu, thậm chí tăng mức phạt mà sao người ta vẫn không sợ? Ví như Nghị định 115 xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (thay thế Nghị định 178/2013) có hiệu lực từ ngày 20.10.2018, quy định mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính là 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức; hành vi bơm tạp chất vào tôm trước đây bị phạt 300 nghìn đồng thì nay tăng lên 3 triệu đồng... Đặc biệt, mức tiền phạt có thể tăng gấp 7 lần giá trị lô hàng (ví dụ giá trị hàng hóa vi phạm của một doanh nghiệp là 800 triệu đồng thì mức tiền phạt tương ứng có thể lên tới 5,6 tỷ đồng). Ngoài ra còn có các hình phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, buộc tiêu hủy thực phẩm bẩn và phải chịu mọi chi phí xử lý…

Rõ ràng dẫu pháp luật có chế tài mạnh hơn nhưng vẫn luôn có kẻ luồn lách để đưa thực phẩm bẩn vào thị trường tiêu thụ. Thực phẩm bẩn càng khó đi thì lợi nhuận càng lớn. Không ít kẻ biết thực phẩm bẩn, độc hại nhưng vì cái lợi lớn mà vẫn cố làm. Cũng như buôn thuốc lắc, ma túy, bị bắt có thể dựa cột tử hình hoặc chung thân nhưng vẫn có những “ông trùm” tổ chức các đường dây buôn bán len lỏi mọi nẻo đường.

Đau xót là nhiều người Việt tự đầu độc đồng bào mình bằng thực phẩm bẩn. Con đường của thực phẩm bẩn cuối cùng là đến dạ dày người tiêu dùng, mà như có lần trên diễn đàn Quốc hội đã cảnh báo đó là con đường đến gần nghĩa địa nhất. Và theo các nhà chuyên môn đã phân tích, thực phẩm bẩn chính là tác nhân hàng đầu gây bệnh ung thư, chiếm khoảng 35% số ca mắc, làm cho số ca bệnh ung thư tăng lên.

Vậy nên, việc kiểm tra vệ sinh thực phẩm của các cơ sở sản xuất kinh doanh và ngăn chặn các chuyến xe chở thực phẩm bẩn càng phải làm quyết liệt, làm thường xuyên. Gần tết là dịp hàng hóa được tung ra thị trường nhiều hơn, lại càng đặt ra yêu cầu bức thiết phải kiểm tra kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm.

ĐĂNG QUANG

ĐĂNG QUANG