Muôn mặt nước mắt

ĐĂNG QUANG 17/12/2018 03:09

1. “Vui sao nước mắt lại trào” sẽ còn âm vang với trận chung kết lên ngôi vô địch Đông Nam Á của đội tuyển bóng đá Việt Nam.

Đó là chiến thắng trong chuỗi 16 trận liên tiếp bất bại. Một kỳ tích đã phải đánh đổi bao mồ hôi và nước mắt của các tuyển thủ, huấn luyện viên Park Hang-seo, “người đưa đò” thầm lặng như bầu Đức, cùng các cổ động viên…

Đó là giọt nước mắt của Anh Đức trước và sau trận chung kết, mang đủ cảm xúc lo lắng, vinh dự và vỡ òa niềm tự hào được vinh danh hai tiếng Việt Nam. Có cả tiếng nấc nghẹn của Hà Đức Chinh khi bỏ lỡ nhiều cơ hội. Có tiếng tiếc nuối của Văn Toàn sớm bị dính chấn thương nặng nề. Có tiếng run rẩy và tha thiết được đứng trong đội tuyển của thủ môn Đặng Văn Lâm. Có tiếng nghiến răng chịu đựng của Quang Hải khi bị nhiều cú chơi xấu kinh người để rồi lên ngôi cầu thủ xuất sắc nhất… Trên tất cả là đoàn kết những tài năng và nhiệt huyết để tạo nên sức mạnh tập thể “lứa cầu thủ vàng”.

Điều còn xúc động hơn nữa là những giọt nước mắt của lòng nhân văn trong “Điều ước thứ Bảy”, khi những cầu thủ đã dành cuộc gặp cho Tom – cậu bé bị bệnh ung thư. Và, ngay ở đỉnh vinh quang, Quang Hải cũng nhớ về Tom, gửi lời chúc Tom và gia đình qua facebook.

Nước mắt đã tràn trên bao gương mặt người Việt đêm xuống đường mừng chiến thắng. Một khát vọng 10 năm thành hiện thực!

2. Bóng đá đã đem lại niềm vui lớn, kết nối không biên giới, tạo ra hào khí mới. Nhưng bên cạnh những giọt nước mắt sung sướng vẫn còn những suy tư buồn. Ai là người Việt sau những bùng nổ cảm xúc nhất thời cũng đều dằn vặt mình câu hỏi sao còn nhiều chuyện ta chưa làm được như bóng đá?

Trở lại mặt đất đời thường, có những giọt nước mắt buồn vì nhiều người Việt còn phải tìm đường ra nước ngoài du học, chữa bệnh, hay xuất khẩu lao động cấp thấp. Bởi giáo dục trong nước còn lắm rối ren, y tế còn thiếu thuốc men và trình độ cao, nguồn nhân lực lao động tay nghề cao chưa được đào tạo bài bản để đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, nhiều vấn đề đời sống vẫn còn bức bách, như tình trạng ngập nước các đô thị, rồi làm ăn dối gian, tham nhũng lớn và tham nhũng vặt tràn lan… Làm sao để Việt Nam hùng cường, là nơi đáng sống, để không phải “khi vui muốn khóc buồn tênh lại cười” đầy nghịch lý.

Bóng đá là chuyện chơi (hay là nghệ thuật đi nữa) cũng chỉ là giới hạn nhỏ trong vô vàn chuyện lớn của đất nước, cần những tài năng, tâm huyết được hiệu triệu để làm nên sức mạnh thương hiệu quốc gia. Chỉ khi nào đạt mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, thì mới  đưa Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu” lên bục vinh quang.

3. “Lý thuyết trò chơi” không thể áp dụng mọi lúc, mọi nơi, mọi lĩnh vực. Nhưng sự thực là trong cuộc đua tranh dữ dội về kinh tế, thương mại hiện nay, kẻ mạnh sẽ chiếm nhiều ưu thế giành chiến thắng.

Căng thẳng giữa các “ông lớn” Mỹ - Trung, EU – Nga ngày càng leo thang, thì Việt Nam sẽ tìm cách như thế nào để đi qua dông bão? Giữa cuộc chơi của các “ông lớn”, người Việt với tầm vóc nhỏ bé nhưng thông minh nhanh nhẹn, cần cù và sáng tạo, đoàn kết, cũng có thể tạo ra lối đi khôn ngoan cho mình. Chiến thuật dùng người trong bóng đá được thể nghiệm với đội tuyển Việt Nam là một gợi ý hay: tập trung làm việc đúng đấu pháp, phòng ngự chặt phản công nhanh, chạy chỗ tinh nhạy và chắt chiu cơ hội ghi bàn.

Làm thế nào đó để không tự thua trước khi muốn giành chiến thắng.

Đừng khóc nếu thất bại tạm thời, hãy dành nước mắt cho niềm vui chung cuộc.

Vị thế quốc gia không chỉ là bóng đá, không chỉ là đôi chân mà cần tầm cao trí tuệ, văn hóa, tâm hồn. Thương hiệu Việt ở mọi lĩnh vực, chơi và làm đều cần như thế.

ĐĂNG QUANG

ĐĂNG QUANG