Lo cho cái "khoái"
Đời sống sinh hoạt của con người thường phải lo “tứ khoái”. Lo miếng ăn thì cũng phải lo cái sự thải, “đầu vào” lẫn “đầu ra” đều quan trọng. Cho nên, chớ cả cười khi nghe tin thành lập Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam (VTA).
Người Việt cười vì từ xưa hay có thói quen “nhứt quận công”, chứ thực ra nhân loại văn minh người ta đã hình thành Tổ chức nhà vệ sinh thế giới (World Toilet). Liên hiệp quốc cũng chọn ngày 19.11 hằng năm làm Ngày toilet thế giới để cổ động cho lối sống vệ sinh sạch sẽ, vừa đem lại khoái cảm vừa phòng bệnh. Vì thế, ý tưởng mà ông Lê Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội VTA bày tỏ với Báo Tuổi trẻ là có tính nhân văn, rằng cần phải “cải thiện chất lượng nhà vệ sinh Việt Nam” bởi “tình trạng thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không sạch sẽ là một trong những nguyên nhân dẫn tới bệnh tiêu chảy, làm tử vong 800.000 trẻ em mỗi năm”. Cũng đáng lưu ý là hiệp hội này hoạt động theo phương thức xã hội hóa, không dùng ngân sách nhà nước.
Thực ra, nhiều năm trước đây khi chưa có VTA thì đã có các tổ chức khác đứng ra thực hiện hỗ trợ các chương trình, dự án để cải thiện nhà vệ sinh. Như chiến dịch “Cộng đồng về Vệ sinh toàn diện” phối hợp giữa Unilever, UNICEF và Bộ Y tế (Cục Quản lý môi trường y tế) đã được triển khai từ năm 2012. Hay như tổ chức Unilever Việt Nam - nhãn hàng Vim đã cùng Bộ Y tế và các đối tác chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2018 giúp 10 triệu người Việt cải thiện điều kiện vệ sinh sức khỏe. Rồi ngành du lịch phát động chương trình “làm mới và chuẩn hóa nhà vệ sinh”, với các khẩu hiệu “ở đâu có nhiều hành khách qua lại, ở đó có nhà vệ sinh sạch đẹp”, “ở đâu có du lịch, ở đó có nhà vệ sinh đạt chuẩn”. Chương trình hành động quốc gia về du lịch giai đoạn 2013-2020 của Chính phủ cũng đặt ra nhiệm vụ “hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng hệ thống nhà vệ sinh du lịch đạt chuẩn phục vụ du khách”. Xem thế đủ thấy lo cho “cái khoái về đầu ra” cũng tốn lắm công sức, tiền của.
Tuy đã có nhiều chương trình, dự án cải thiện nhà vệ sinh, nhưng đến nay “nỗi sợ mang tên W.C.” còn là thực trạng đáng cảnh báo ở Việt Nam. Nhớ tại Hội nghị toàn quốc về du lịch tổ chức ở Hội An, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thẳng thắn chỉ ra rằng, khoảng 70% khách quốc tế đến với Việt Nam không quay trở lại vì 7 nỗi sợ: cướp giật, trộm cắp, kẹt xe, tai nạn giao thông, thái độ phục vụ, nhà vệ sinh và ô nhiễm môi trường. Còn đối với trường học, một con số thống kê làm ai cũng rùng mình, là cả nước có 40% công trình vệ sinh ở trường mầm non chưa đạt chuẩn, bậc tiểu học ở mức 42,1%. Do nhà vệ sinh “bốc mùi khủng khiếp” nên mới xảy ra chuyện phải “nhịn vệ sinh” nhất là học sinh nữ. Thực trạng đó khiến Thủ tướng Chính phủ phải lên tiếng yêu cầu các ban ngành, địa phương bảo đảm cơ sở vật chất trường học, ngay từ những việc rất cụ thể như khắc phục tình trạng nhà vệ sinh trường học bẩn thỉu, hôi hám.
Là một địa phương có hơn 1/5 dân số là học sinh ở các cấp học, lại có ngành du lịch phát triển mạnh như Quảng Nam, vấn đề đầu tư cho nhà vệ sinh cần phải được coi trọng. Được biết, năm học này, Quảng Nam đầu tư hơn 361,6 tỷ đồng để xây dựng mới 562 phòng học, sửa chữa 102 phòng học, xây mới 176 công trình vệ sinh. Tuy vậy, chắc chắn còn nhiều trường học phải tiếp tục đầu tư nâng cấp, xây mới nhà vệ sinh đạt chuẩn. Còn với du lịch, nhà vệ sinh công cộng cho các điểm đến, bãi biển, công viên, di tích, danh thắng,… là một nhu cầu cấp thiết. Quảng Nam cần tham vấn, tranh thủ huy động nguồn lực để làm nhà vệ sinh công cộng từ cơ chế thu hút đầu tư mà không lấy tiền ngân sách và không thu tiền của người dân như VTA đề ra.
ĐĂNG QUANG