Giữ viên ngọc quý

ĐĂNG QUANG 05/11/2018 02:09

Phố cổ Hội An luôn được các tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới quan tâm, trao giải thưởng hoặc xếp hạng là điểm đến lãng mạn nhất châu Á, tốp 10 thành phố được yêu thích nhất hay thành phố tuyệt vời nhất châu Á… Như thế không quá khi ví Hội An như viên ngọc quý đính trên bản đồ du lịch.

Càng ngày khách đến Hội An càng đông, nếu năm 2013 có 1,6 triệu khách tham quan, thì đến năm 2017 đã lên 3,3 triệu lượt, và 9 tháng đầu năm 2018 đã đón tới 4,55 triệu lượt khách.

Khách đến nhiều dĩ nhiên đem lại thu nhập nhiều hơn cho cộng đồng. Mừng nhưng lo việc “gìn vàng giữ ngọc”. Mài sáng ngọc để thu hút  khách nhưng mài không đúng cách hoặc bất cẩn sẽ làm cho ngọc có vết bị xước, thậm chí có nguy cơ bị vỡ. Thực tế áp lực cho việc bảo tồn phố cổ càng tăng do con người tác động tiêu cực vào di tích. Như hiện tượng vẽ vời bậy bạ đã từng xảy ra. Như việc bừa bộn trong không gian kinh doanh và môi trường sống, ô nhiễm tiếng ồn. Đường sá vốn nhỏ hẹp nhưng người đến quá đông, xe cộ lộn xộn kẹt đường. Cứ thử hình dung, với mật độ dân trong khu phố cổ đã tới 10 nghìn người/km2 lại thêm khoảng chừng đó khách đến mỗi ngày thì làm sao mà không chật chội, quá tải giao thông.

Sự tác động lên nếp sống và văn hóa ứng xử càng đáng lo hơn. Đã có nhiều vấn đề nảy sinh theo bước chân du lịch tăng tốc. Như báo cáo từ Trung tâm Hỗ trợ du khách tỉnh cho biết có nhiều phản ánh của du khách trình báo bị cướp giật, “chặt chém”, hay phàn nàn chất lượng dịch vụ yếu kém. Hội An từng nổi tiếng là nơi “nhân tình thuần hậu”, nhưng sự biến đổi chủ sở hữu các di tích, sự gia tăng các loại hình kinh doanh cùng với tiếp nhận nhiều cư dân ở các vùng khác, hẳn ít nhiều pha tạp về cách thế ứng xử văn hóa. Nếu không biết giữ gìn và mài giũa thì viên ngọc tâm hồn cũng bị lấm láp, mờ đi, có nhiều tì vết xây xước.

Nhận thức được điều này, Hội An đã sớm định hướng xây dựng thành phố văn hóa - sinh thái gắn với du lịch. Nhiều chương trình, đề án đã được triển khai nhằm xây dựng nếp sống văn minh, nhân tình thuần hậu. Các quy định về kinh doanh có trật tự trên các tuyến phố, xây dựng hình ảnh thân thiện nhưng không vồ vập những thứ dịch vụ như thường có ở nơi khác (chẳng hạn như không phát triển kiểu “phố đèn đỏ”, sex tour,…). Không riêng Hội An, Quảng Nam cũng ban hành nhiều quy định để hỗ trợ việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Giữ được Hội An là giữ viên ngọc cho du lịch xứ Quảng, với bản sắc đặc thù.

Mới đây, UBND tỉnh vừa ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch. Theo đó, các đơn vị, cơ sở kinh doanh du lịch phải cung cấp  sản phẩm, dịch vụ uy tín, chất lượng, an toàn; Thông tin đầy đủ và trung thực về sản phẩm, dịch vụ; Niêm yết công khai giá cả, dịch vụ và bán đúng theo giá niêm yết. Đối với các điểm đến thì nhân viên phục vụ phải có trang phục lịch sự, không hút thuốc lá, nhai kẹo cao su khi đang phục vụ khách; không chèo kéo, đeo bám, nài ép du khách. Bộ quy tắc cũng khuyến cáo khách hưởng ứng các hoạt động du lịch có trách nhiệm, thân thiện môi trường, vui chơi lành mạnh; Không thể hiện tình cảm, hành động trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam, Quảng Nam;  Không say xỉn mất kiểm soát hành vi ở nơi công cộng; Không mua bán, sử dụng sản phẩm từ các loài động vật hoang dã, các loài cần được bảo vệ; Tiết kiệm năng lượng; lấy thức ăn, đồ uống vừa đủ dùng… Hội An cần tiên phong trong việc phổ biến và thực hiện bộ quy tắc ấy.

Rõ ràng để giữ viên ngọc du lịch sáng trong, là trách nhiệm chung từ chính quyền đến người dân, cộng đồng doanh nghiệp làm du lịch, và cả khách đến nữa. Làm thế nào để không có tì vết trên viên ngọc Hội An, là giữ lấy cái hồn của phố.

ĐĂNG QUANG

ĐĂNG QUANG