Lựa giỏ để bỏ trứng

ĐĂNG QUANG 15/10/2018 03:21

Vừa qua, vụ thanh long ở Bình Thuận và miền Tây Nam Bộ bị rớt giá mà theo thông tin báo chí là do thương lái Trung Quốc ngưng mua. Có tờ báo không ngần ngại chỉ ra “nhân vật phản diện chính của các cuộc giải cứu nông sản” chính là Trung Quốc. Đó là sự đúc kết qua nhiều năm tháng, với nhiều mặt hàng, trong đó rau củ quả xuất qua thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch thường gặp rủi ro lớn khi họ ngưng mua để làm giá hoặc vì mục đích khác.

“Tiên trách kỷ hậu trách nhân”, trước khi trách người cũng nên xem lại mình, vì cái “giỏ hàng” ta bỏ vào Trung Quốc nhiều quá nên dễ bị phụ thuộc. Ngay mặt hàng rau củ quả xuất khẩu năm rồi tới 3,5 tỷ USD, nhưng thị trường Trung Quốc chiếm tới 76% giá trị.  Cho nên câu hỏi đặt ra là tại sao ta chọn thị trường này làm chủ lực của giỏ hàng? Và tại sao còn xuất khẩu qua tiểu ngạch để bị thua thiệt nặng nề nếu hàng hóa không thông quan kịp thời? Vì để hết trứng vào một giỏ nên dễ bị ung thối, bể vỡ, và lệ thuộc khách hàng là tất nhiên. Hay nói như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, “không để trứng vào một giỏ”, và phải đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch đàng hoàng, hạn chế và dần dần xóa bỏ xuất khẩu tiểu ngạch.

Không để hết cả trứng vào một giỏ là lời khuyên phòng ngừa rủi ro trong sản xuất kinh doanh. Không chỉ là xuất khẩu hàng hóa mà còn nhiều lĩnh vực khác nữa cũng ứng dụng lời khuyên này. Như chuyện đầu tư chẳng hạn, nếu trút hết vốn vào một lĩnh vực, một mặt hàng và phụ thuộc một khách hàng thì rủi ro tăng cao hơn là đa dạng sản phẩm với nhiều đầu ra. Theo kinh nghiệm của các chuyên gia tài chính, rủi ro cũng ít hơn khi người ta đầu tư vốn cho nhiều loại cổ phiếu, gửi tiết kiệm ở nhiều nhà băng thay vì chỉ chọn một. Đa dạng hóa đầu tư là cách chia nhỏ rủi ro, nhiều khi rủi chỗ này mà may chỗ khác, có thể bù trừ thiệt hại. Tất nhiên, trong nhiều câu chuyện vẫn phải lựa chọn mặt hàng và khách hàng chủ lực có giá trị chiến lược.

Trở lại với nông sản, có thực tế là không ít nơi trên đất nước ta việc sản xuất kinh doanh loại hàng hóa này còn thiếu tầm nhìn trung hạn, dài hạn. Ta hay hô hào theo kiểu làm phong trào “thấy người ăn khoai vác mai đi đào”, nên khi sản xuất thừa mứa mà không bán được sẽ rớt giá, ôi thiu luôn. Từ đó mà nảy sinh cái nạn “xổ số cây trồng”, nay trồng mai chặt, chặt rồi lại trồng là vì không cân đối được cung – cầu. Ta lại làm theo ý muốn chủ quan  mà không theo nhu cầu khách hàng nên bấp bênh đầu ra là tất yếu. Nền kinh tế “giải cứu” cũng ra đời do thực trạng đó và chua xót là dù có từ tâm thì cũng không ai ăn mãi được hàng giải cứu. Trớ trêu nữa là những thứ hàng cần giải cứu chẳng sức mô kham nổi, bởi không thể hàng ngày cứ  ăn mỗi thịt heo, rồi dưa hấu, dưa leo, khoai tây, đào lộn hột (hạt điều)… hay mỗi công chức ăn 9 ký ớt như ở Quảng Trị từng kêu gọi (?!). Cho nên sản xuất nông sản thực phẩm không thể chỉ hướng đến xuất khẩu thô mà cần chế biến tinh thành các mặt hàng đa dạng mới gia tăng giá trị. Tuy nhiên, cho đến nay nhiều vùng nguyên liệu vẫn thiếu nhà máy chế biến, ngay như Bình Thuận có tới 27 ngàn héc ta trồng thanh long mà vẫn chưa có nhà máy chế biến đủ lớn để tiêu thụ nói chi đến các thứ khác nữa.

Cần lựa giỏ để bỏ trứng, nhiều hay ít, nặng hay nhẹ trước hết phụ thuộc vào tầm nhìn, phân tích, suy xét tự mình “biết người biết ta”.  Chọn giỏ, lựa giỏ cũng là câu chuyện tìm thị trường. Nông dân rất cần nhà nước hỗ trợ cho việc đó thông qua con đường hợp tác xúc tiến thương mại.

ĐĂNG QUANG

ĐĂNG QUANG