Lại bàn chuyện "4 trụ cột"
Sắp khai giảng năm học mới, lại bàn về “4 trụ cột” mà ngành giáo dục cần theo đuổi. Bốn trụ cột ấy là: “Học để biết; Học để làm; Học để tồn tại; và Học để chung sống”. Đây là những nội dung được đề cập trong bản báo cáo nổi tiếng của Jacques Delors năm 1996. Sau đó, các nhà nghiên cứu muốn đẩy vấn đề ấy lên tầm cao triết lý giáo dục. Thậm chí có người liên hệ với chiến lược của UNESCO về giáo dục để mặc định đây là tầm nhìn quốc tế có giá trị như lời khuyến cáo cho mọi quốc gia.
Không sai gì cả. Dù có những khác biệt, nhưng giáo dục nếu đi theo “4 trụ cột” ấy sẽ có một đường hướng rõ ràng hơn cho mục đích của sự học, về bản thân sự học, triết lý về bản chất hệ thống giáo dục, từ tiểu học đến đại học và hệ thống giáo dục trong môi trường xã hội. Khó ai có thể phủ nhận, nền giáo dục Việt Nam đang lao dốc vì những vấn đề về chất lượng, cũng như đang đối mặt với những tiêu cực mà lẽ ra một nền giáo dục tiên tiến không thể mắc phải. Chúng ta đã quá đặt nặng chuyện bằng cấp đến một lúc không thể phân biệt được thật/giả. Chúng ta coi đổi mới thi cử là khâu đột phá nhưng cái sự “phá từ trong phá ra” là không kiểm soát được. Chúng ta muốn tự chủ đại học nhưng câu chuyện về một thí sinh dù đạt hơn mức điểm sàn rất cao mà không thể vào đại học như ở Đắc Lắc, cho thấy sự tùy tiện, trong khi nhiều trường phải “vét” đầu vào. Cho nên muốn đề cập câu chuyện về học để làm gì, có lẽ nên nghe lời của TS. Nguyễn Duy Lân, người từng có 9 năm làm việc tại Microsoft và sở hữu 9 bằng sáng chế về công nghệ bảo mật, bộc bạch rằng : “Học không chỉ là ở trường đại học mà con đường học là liên tục và học nữa học mãi. Chúng tôi luôn muốn tìm một môi trường không chỉ để học mà còn để cống hiến được trong khả năng của mình. Ở những nước phát triển, môi trường để chúng tôi học tập và cống hiến rất tốt và tôi muốn dành thời gian đầu tiên đó để học hỏi và tích lũy kinh nghiệm”. Đặc biệt, trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư (4.0), đòi hỏi của giáo dục chính là làm thế nào để “tạo dựng một hệ sinh thái mà ở đó mình có thể vừa học vừa làm” như TS. Vũ Duy Thức - một “start-up” người Việt thành công trên đất Mỹ, nói.
Vừa qua có một sự kiện đáng chú ý với câu chuyện giáo dục là đã có 100 trí thức người Việt, thuộc hàng chuyên gia ở các nước về Việt Nam để cùng đề xuất thành lập “mạng lưới đổi mới sáng tạo”. Các tập đoàn lớn cũng vào cuộc, như Vingroup đã kết nối các chuyên gia từ nước ngoài về, bàn về hợp tác làm việc, khởi đầu hành động tốt nhất cho những sản phẩm Made in Vietnam, Made by Vietnamese. Vingroup cũng cho biết sẽ ký kết với 50 trường đại học của Việt Nam để xây dựng nguồn nhân lực và mở trung tâm công nghệ cao, đồng thời lập quỹ tài trợ cho các dự án ứng dụng công nghệ cao. Một chuyên gia có uy tín quốc tế là GS.Vũ Hà Văn đã nhận lời làm giám đốc của viện nghiên cứu dữ liệu lớn (Instiute of Big Data) thuộc Vintech, hoạt động chính trong lĩnh vực nghiên cứu, thực nghiệm và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa, nguyên liệu thế hệ mới, có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.
Sẽ không thể kể hết những kỳ vọng của người Việt trên hành trình muốn thay đổi nền tảng giáo dục. Chỉ xin kể câu chuyện nhỏ để minh họa rằng “4 trụ cột” của giáo dục chưa cần nói đến những lĩnh vực cao siêu mà có khi bắt đầu từ việc thích ứng với thực tế và thay đổi theo yêu cầu của đời sống. Đó là chuyện như đứa cháu của người viết bài này, ngay từ khi kết thúc bậc trung học cơ sở đã chọn con đường vừa học vừa làm. Cháu vừa học văn hóa, vừa học nghề nấu ăn, bây giờ chưa kết thúc bậc tú tài nhưng đã được mời làm đầu bếp ở một nhà hàng sang trọng tại Hội An. Cháu có thể không hiểu rõ về triết lý giáo dục cao siêu gì cả, nhưng biết rất rõ rằng học được cái nghề gì đó mà xã hội cần nghĩa là “tồn tại” và có cơ hội để “chung sống” cùng dòng chảy xã hội.
ĐĂNG QUANG