Đi trước mà vẫn chậm
Muốn phát triển, giao thông phải đi trước một bước. Câu nói này thường được dẫn dụ từ lý thuyết đến thực tiễn, cho thấy công cuộc mở đường là động lực để xây dựng hạ tầng, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hiện nay, việc cải thiện hạ tầng giao thông vẫn là yêu cầu bức thiết để thông suốt mạch máu lưu chuyển hàng hóa, đi lại, giữa nông thôn với thành thị, kết nối từ vùng nguyên liệu đến nhà máy chế biến, từ kho bãi đến phân phối trên thị trường…
Nhiều năm qua, ở Quảng Nam đã đầu tư mạnh cho các trục giao thông chiến lược, dọc ngang nối theo chiều bắc-nam và đông-tây. Hơn 20 năm, từ một tuyến độc đạo là quốc lộ 1, nay đã có thêm nhiều tuyến dọc với đường Hồ Chí Minh, đường Đông Trường Sơn, đường ven biển và đường cao tốc; từ dăm ba tuyến tỉnh lộ theo trục ngang đông-tây, thì nay đã có các quốc lộ 14E, D, quốc lộ 40, cùng nhiều con đường lớn nối các trung tâm đô thị ở đồng bằng với miền núi.
Tuy đường sá được nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới nhiều như vậy, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, nên trong Chương trình xúc tiến đầu tư vừa được ban hành, tỉnh ưu tiên thu hút thêm nhiều dự án đầu tư cho giao thông. Cụ thể, trong 12 dự án thuộc giai đoạn 2018 – 2020, thì có đến 7 dự án giao thông, gồm: Nâng cấp, mở rộng đường vào trung tâm du lịch phố cổ Hội An; Đường nối từ quốc lộ 1 (tại ngã ba Cây Cốc) đến nút giao giữa đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với quốc lộ 14E; Tuyến nối từ đường cứu hộ cứu nạn đến quốc lộ 1 (tại ngã ba cây Cốc); Đường vào trung tâm xã A Xan, nối xã Ch’Ơm đến cửa khẩu phụ Tây Giang; Đường giao thông khu trung tâm hành chính (mới) huyện Nam Giang; Tuyến trung tâm xã Trà Linh - Măng Lùng; Tuyến nối từ đường Điện Biên Phủ đến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Tổng thể bức tranh giao thông có nhiều điểm sáng nhưng hiện tại vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”. Có những tuyến chiến lược đầu tư theo kiểu con nhà nghèo, chân đi đến đâu mở đường đến đấy nên còn lỡ dở, bất cập, thậm chí xuống cấp nhanh. Như tuyến quốc lộ 1 mới nâng cấp, mở rộng nhưng do “bóp” nhiều đoạn để tiết kiệm nên giờ đã chật chội cùng với các đường tránh xuống cấp, hư hỏng. Tuyến nối phía nam cầu Cửa Đại về Tam Kỳ mới làm một bên và nhiều đoạn bong tróc lở lói. Các tuyến đường ngang nối quốc lộ và cao tốc thì dở dang…
Đáng nói nhất là con đường cao tốc nối Đà Nẵng – Quảng Ngãi qua Quảng Nam, thi công rất ì ạch với tiến độ… rùa bò, do vướng mắc đủ kiểu. Cho đến nay, dù đã hai lần xin lùi thời hạn khánh thành và thông xe trên toàn tuyến 139,52km qua 3 tỉnh thành nhưng đơn vị thi công đường cao tốc vẫn hẹn lại đến 2.9 năm nay. Liệu có thực hiện được không khi vướng mắc và những vấn đề phát sinh được báo cáo là rất nhiều. Chẳng hạn, ở đoạn cao tốc qua Quảng Nam có 250/1.864 hộ ảnh hưởng rung nứt nhà; 20/42 vị trí ảnh hưởng do xô sạt; 68.000/732.800 (m2) diện tích đền bù ảnh hưởng bồi lấp đất nông nghiệp và vụ sản xuất; 57 đường ngang - đường gom tồn tại chưa thi công và 122 đoạn hàng rào. Còn ở Quảng Ngãi, có 226/1.056 hộ ảnh hưởng rung nứt nhà; 42 đường ngang - đường gom tồn tại chưa thi công; tại TP.Đà Nẵng vẫn còn 31 trường hợp cần sớm đền bù để mở thi công đường nối với quốc lộ 14B.
Nếu chậm giải quyết những vướng mắc trên, để tốc độ rùa bò với dự án đường cao tốc, thì sẽ thiệt đơn, thiệt kém. Thấy rõ là càng chậm đưa đường cao tốc vào vận hành càng gây áp lực, có thể gia tăng làm hư hỏng thêm đồng thời gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông trên các tuyến nối và quốc lộ. Mặt khác, tiền vay đầu tư chưa được giải ngân vì khối lượng thi công theo tiến độ chậm sẽ phát sinh rối rắm trong thủ tục thanh toán, có thể gây mất niềm tin của nhà đầu tư vốn. (Được biết, đầu tư giai đoạn 1 là 1.640,82 triệu USD, trong đó vay Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) 798,5 triệu USD và vay Ngân hàng Thế giới (WB) 590,3 triệu USD).
Bước chân thỏ vốn chạy nhanh hơn rùa nhưng vì chủ quan nhởn nhơ mà về đích chậm. Do vậy, đi trước cần phải đi nhanh!
ĐĂNG QUANG