Tri ân người có công với nước
Tiếp sau đợt về Quảng Nam thăm hỏi tặng quà người có công, gia đình chính sách của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, tuần này, các ban ngành, đoàn thể sẽ tổ chức nhiều hoạt động hướng về Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7.
Quảng Nam là mảnh đất “trung dũng kiên cường” trong các cuộc kháng chiến. Danh hiệu ấy đã được tạo dựng bởi bao máu xương anh hùng liệt sĩ, người có công với nước, với cách mạng. Cả tỉnh có hơn 65.400 liệt sĩ, hơn 30.500 thương bệnh binh, 45.400 người có công giúp đỡ cách mạng, 11.500 người hoạt động cách mạng, tham gia kháng chiến bị địch bắt tù đày... Đặc biệt, Quảng Nam có 15.039 Bà mẹ được Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Chính vì số lượng người có công rất lớn như vậy nên việc tri ân, chăm lo chế độ chính sách luôn là công tác được chú trọng hàng đầu. Để giải quyết đúng và đủ chế độ chính sách, công việc đầu tiên đòi hỏi nhiều nỗ lực là xác nhận hồ sơ người có công. Được biết trong vòng 5 năm qua toàn tỉnh đã xác nhận mới hơn 18.300 trường hợp người có công với cách mạng. Trong đó có 39 liệt sĩ, 40 thương binh; 1.661 bệnh binh,1.652 người có công giúp đỡ cách mạng, 1.369 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, 5.948 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 274 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương; phong tặng và truy tặng 6.686 Bà mẹ Việt Nam anh hùng... Với khối lượng lớn kết quả như vậy, công tác xử lý hồ sơ đề nghị xác nhận người có công đã cơ bản không còn tồn đọng. Và cũng nhờ đó đã có cơ sở để giải quyết chế độ trợ cấp thường xuyên và một lần cho hơn 209.400 lượt đối tượng chính sách.
Toàn tỉnh hiện có gần 60.000 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; hàng chục ngàn người hưởng trợ cấp một lần. Kinh phí chi trả trợ cấp ưu đãi người có công khoảng 1.300 tỷ đồng mỗi năm. Số tiền ấy tuy không ít nhưng chỉ phần nào bù đắp cho những mất mát hy sinh của người có công và thân nhân gia đình chính sách. Không thể đo đếm máu xương đã đổ xuống vì Tổ quốc. Không thể đong đầy nỗi nhớ thương của người còn sống với hương linh các anh hùng liệt sĩ.
Lịch sử đã chọn Quảng Nam làm mảnh đất đứng đầu sóng ngọn gió trong các cuộc kháng chiến cứu nước. Chính vì vậy, đất và người xứ Quảng đã hy sinh vô bờ với cuộc trường chinh cùng dân tộc, là điều cần ghi nhận và tri ân mãi mãi. Nhưng hành động tri ân không chỉ bằng việc chăm lo giải quyết chế độ chính sách cho người có công mà còn cần sự đáp đền của hiện tại với quá khứ anh hùng. Bởi như Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói, quá khứ chỉ vinh quang khi hiện tại còn làm đẹp cho đời. Làm sao thực hiện cho bằng được ước vọng của thế hệ cha anh về công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng phồn vinh, giàu đẹp. Đó chính là nghĩa cử và trách nhiệm lớn lao mà thế hệ hôm nay, mai sau còn phải gánh vác. Mỗi dịp 27.7 là để ý thức rõ hơn về trách nhiệm ấy, bằng cách nhìn lại giá trị của quá khứ để hướng tới xây đắp nền hòa bình, thịnh vượng cho tương lai.
ĐĂNG QUANG