Con ơi, đừng lạc đường!
Con không nuôi được mẹ già, định cõng mẹ lên núi để mẹ lại đó. Buổi chiều tối, con nói với mẹ sẽ đưa mẹ lên núi dạo chơi. Mẹ phấn khởi trèo lên lưng con. Trên đường, con chỉ nghĩ đến việc sẽ trèo lên thật cao để mẹ ở đó không trở về được nữa. Đến khi phát hiện ra mẹ đang âm thầm rắc hạt đậu xuống đường, con quát:
- Mẹ rắc hạt đậu làm gì hả?
Mẹ trả lời:
- Con ngốc của mẹ, mẹ sợ tí nữa con đi về một mình sẽ bị lạc đường.
(…)
Nghĩ gì về câu chuyện mang tính dụ ngôn trên? Đó là tình mẹ. Là sự lạc đường của đứa con bất hiếu. Là lời răn về sự phụng dưỡng khi cha mẹ về già. Đều đúng cả, nhưng có lẽ cần nghĩ thêm về sự lạc đường khi xa rời nguồn cội tâm thức văn hóa và đạo đức làm người. Việc phát triển kinh tế -xã hội mà không coi trọng văn hóa, nuôi dưỡng, bảo tồn các giá trị văn hóa thì chúng ta sẽ phải trả giá, lạc đường vào tối tăm. Không nuôi nổi mạch nguồn văn hóa và mầm thiện, thế hệ trẻ sẽ lạc đường qua cách sống khác trong một không gian khác với thói tư hữu ích kỷ trỗi dậy.
Nhiều năm qua, Quảng Nam luôn có ý thức đi hai chân - văn hóa và kinh tế, trên con đường phát triển. Như với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong khi thực thi các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, thì việc giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa đã được chú trọng. Trên vùng đất cư trú của khoảng 9% số dân toàn tỉnh là đồng bào của 19 dân tộc, tộc người thiểu số (trong đó có 4 nhóm chính là Cơ Tu, Xê Đăng, Co, Giẻ Triêng), nhiều mỹ tục, trang phục, điệu múa, văn học dân gian riêng có… đã được bảo tồn. Tuy nhiên, phải thấy rằng tác động của các thành tố đời sống hiện đại vào sinh hoạt văn hóa vùng đồng bào là không nhỏ, làm mai một không ít bản sắc. Chẳng hạn, xưa người miền núi coi trọng sinh hoạt cộng đồng ở nhà làng truyền thống (như gươl, nhà rông) nhưng bây giờ có chỗ không mặn mà, bỏ hoang nhà làng. Các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề truyền thống cũng mai một, ít người theo học nên khó được truyền thừa. Đáng lo nhất là lớp trẻ, không ít thanh niên đua đòi học theo các thói xấu trong xã hội, mê phim chưởng, trò chơi điện tử, hay sa chân vào mại dâm ma túy, siêng nhậu nhẹt, biếng học hành làm lụng. Có lần lên núi, người viết bài này ngạc nhiên khi thấy thanh niên tụ tập từ rất sớm, mang “loa kẹo kéo” về hát và nhậu, đêm lại nhậu và hát karaoke ầm ĩ, rồi mang xe ra đường không đội mũ nón mà phóng ào ào…
Làm thế nào để điệu tâng tung da dá không chỉ là diễn trong các lễ hội mà thôi khi thanh niên chỉ thích trò mới, chơi kiểu mới như vậy? Làm thế nào để những nghệ nhân dệt thổ cẩm không cô độc khi các sơn nữ đã đi theo tiếng gọi của hàng hiệu? Làm thế nào để những nghệ nhân chế tác các loại đàn không miên man nỗi buồn khi “gu” âm nhạc của nhiều người trẻ bây giờ chỉ là tiếng hò hét trong cuộc nhậu? Sự lạc đường này sẽ còn dẫn đến đâu?
Mới đây, Sở VH-TT&DL đã dự thảo Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018 - 2025” để trình UBND tỉnh. Theo đó, giai đoạn 2018 - 2020 phấn đấu 100% huyện miền núi được kiểm kê di tích; xem xét, lựa chọn các di tích, danh lam thắng cảnh tiêu biểu lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh; lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đối với 2 - 3 di tích tiêu biểu; bảo quản 100% số hiện vật hiện có và hiện vật sưu tầm bổ sung; lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu cho khoảng 15 nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; phấn đấu hoàn thành 100% thiết chế văn hóa (nhà làng truyền thống) tại các làng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; thành lập đội văn nghệ quần chúng, được trang bị đầy đủ thiết bị âm thanh, nhạc cụ dân tộc theo tiêu chuẩn và hoạt động thường xuyên...
Thiết nghĩ, việc thực thi các mục tiêu đề án đã nêu là rất cần thiết, nhưng chưa đủ. Bởi chuyện huy động mọi nguồn lực nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc, góp phần để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội, không thể chỉ một đề án là có thể hoàn thành. Miền núi cần tổng thể nhiều đề án, chương trình thiết thực có chiều sâu hơn nữa để làm chỉ dấu dẫn đường cho văn hóa phát triển.
Không thể cản đứa con của núi muốn theo trào lưu hiện đại nên ít nhiều phải chấp nhận những yếu tố tác động của văn hóa ngoại lai. Nhưng dù gì cũng phải giữ và phát huy những giá trị, bản sắc truyền thống. Đó là tấm “căn cước” mà nếu để mất không chỉ dẫn đến sự lạc đường!
ĐĂNG QUANG